Đại dịch thuốc giảm đau opioid gia tăng ở Mỹ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Báo cáo những tín hiệu quan trọng vừa được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố cho thấy đại dịch thuốc giảm đau opioid vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại ở nước này.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Theo CNN, báo cáo của CDC được đưa ra từ việc tổng hợp dữ liệu về các lượt khám tại các phòng cấp cứu trên khắp nước Mỹ theo Chương trình giám sát tổng hợp quốc gia. Báo cáo cho thấy, trong thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 9/2017, trong số 91 triệu lượt người thăm khám ở các phòng cấp cứu tại 45 bang của Mỹ đã có tổng cộng 142.557 trường hợp nghi là do dùng quá liều thuốc giảm đau nhóm oipoid. Con số này tương đương với việc số lượt người đến thăm khám tại phòng cấp cứu ở Mỹ nghi do dùng quá liều thuốc giảm đau nhóm opioid đã tăng khoảng 30% so với khoảng thời gian trước đó.

Trong số này, Wisconsin là bang có số người thăm khám bị nghi dùng quá liều thuốc cao nhất, với mức tăng là 108,6%. Bang Delaware có mức tăng cao thứ 2, là 105%. Ở một số bang khác như Pennsylvania, mức tăng là 80,6%, Illinois tăng 65,5%... Ngược lại, tại bang Kentucky, số ca cấp cứu nghi do sốc thuốc lại giảm đến 15%, bang New Hampshire giảm 7,1%. Hiện chưa rõ con số giảm này là do số ca dùng quá liều thuốc giảm đau thực sự giảm hay chỉ đơn giản là do sai sót thống kê.

Bác sỹ Anne Schuchat - quyền Giám đốc CDC, cũng là quyền Giám đốc cơ quan đăng ký dịch bệnh và chất độc của Mỹ - cho rằng những con số trên đã cho thấy đại dịch dùng quá liều thuốc giảm đau nhóm opioid đã diễn tiến nhanh chóng và ngày càng tồi tệ hơn. “Sự gia tăng số ca quá liều được ghi nhận ở người trưởng thành ở mọi nhóm tuổi, bao gồm cả nam giới và phụ nữ. Các trường hợp như vậy xảy ra ở tất cả các khu vực địa lý trên cả nước. Chúng tôi cho rằng đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả, rằng đại dịch opioid đã lan tới tất cả các cộng đồng và rằng cần phải có thêm những biện pháp để xử lý và phòng ngừa”, bà Schuchat nhận định.

Bác sỹ Caleb Alexander - Giám đốc Trung tâm dùng thuốc an toàn và hiệu quả tại Trường y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg – cũng cho rằng các phát hiện mới đã cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng của đại dịch opioid. Vẫn theo ông Alexander, các xu hướng được nêu trong báo cáo phù hợp với các báo cáo từng được công bố trước đó. “Trong năm 2016, số người tử vong do dùng thuốc quá liều đã ở mức cao nhất thời đại. Trong năm này có hơn 60.000 người tử vong, tăng 20% so với năm 2015”, ông Alexander cho hay.

Sử dụng vô tội vạ

Opioid thường được xếp vào nhóm thuốc được sử dụng để giảm đau. Các loại thuốc này thường phải được bác sỹ kê đơn, bao gồm các loại như oxycodone hay OxyContin, hydrocodone hay Vicodin và morphine, mới có thể mua được. Mặc dù vậy nhưng các loại thuốc này cũng đều có xu hướng bị lạm dụng. Ví dụ fentanyl sử dụng trong y học là một loại thuốc có công năng mạnh gấp từ 50 tới 100 lần so với morphine, thường được kê cho các bệnh nhân bị đau nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu hết thuốc fentanyl mà người ta mua được lại là từ đường phố chứ không phải từ các nhà thuốc hay bệnh viện do thuốc này được sản xuất bất hợp pháp trong các phòng thí nghiệm và được liệt kê là biến thể của fentanyl hợp pháp.

Heroin cũng là một loại thuốc opioid bất hợp pháp có khả năng gây nghiện cao. Theo thống kê của CDC, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016, số ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều có liên quan đến heroin đã tăng hơn 5 lần. Còn theo Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng thuốc của Mỹ, mỗi ngày ở nước này có hơn 115 người tử vong sau khi dùng quá liều một loại opioid nào đó.

Theo Tổ chức y tế thế giới, việc gia tăng kê đơn và bán thuốc giảm đau nhóm opioid đã đẩy đại dịch dùng quá liều và tử vong do thuốc giảm đau opiod ở Bắc Mỹ gia tăng. Theo CDC, khoảng 40% các trường hợp tử vong do dùng quá liều opioid ở Mỹ có liên quan đến việc kê đơn. Trong khi đó, một nghiên cứu riêng biệt do tạp chí JAMA công bố cho thấy điều trị các vết thương bằng opioid không tốt hơn so với các phương pháp điều trị không dùng thuốc giảm đau nhóm này trong giai đoạn 12 tháng. Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện các liệu trình không dùng opioid khiến mức độ đau của người bệnh giảm đáng kể trong khi các loại thuốc nhóm opioid gây ra nhiều triệu chứng bất lợi liên quan đến thuốc. Do đó, các nhà nghiên cứu không khuyến nghị điều trị theo phác đồ opioid để chữa đau lưng hay hông hay gối kinh niên. 

Kể từ năm 1999, việc kê đơn các thuốc giảm đau nhóm opioid đã gia tăng đáng kể, dẫn tới việc một lượng lớn người Mỹ bị rối loạn sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid hoặc thậm chí bị nghiện. Bác sỹ Jerome Adams cho rằng đại dịch opioid ở Mỹ đã tiến đến sát nhà của mọi người dân. “Em trai tôi đã phải vật lộn với tình trạng nghiện thuốc giảm đau suốt nhiều thập kỷ qua. Tôi thường nghĩ việc đó cũng có thể sẽ xảy đến với tôi. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở Mỹ qua nhiều năm đã chứng kiến tận mắt nỗi đau do sử dụng opioid một cách vô tội vạ, vốn được gọi là nghiện”, ông Adams nói.

Theo bà Schuchat, các phát hiện được nêu trong báo cáo có thể giúp xác định và theo dõi các trường hợp sử dụng thuốc giảm đau quá liều nhằm giúp xây dựng các biện pháp ứng phó ở cả cơ quan y tế và các cơ quan hành pháp. Ví dụ, dựa trên báo cáo, các cơ quan y tế có thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa và điều trị đồng thời cải thiện các nỗ lực để kết nối bệnh nhân với các cơ quan liên quan nhằm giúp ngăn chặn các trường hợp dùng quá liều thuốc giảm đau. 

Đọc thêm

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.

Người hiến tạng 'sống lại' trên bàn mổ

Thomas 'TJ' Hoover II được chụp trong bệnh viện.
(PLVN) - Một người đàn ông ở Kentucky, Mỹ được cho là đã tỉnh lại trong phòng mổ ngay trước khi các bác sĩ chuẩn bị lấy nội tạng của anh ta để hiến tặng. Sự việc gây sốc này đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.