Theo Reuters, Bangladesh là nơi sinh sống của khoảng 100.000 người bán dâm. Trong khi đó, các tổ chức từ thiện ước tính, cứ 7/10 người đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn để sống sót suốt 3 tháng qua, khi nước này ban hành lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Mặc dù ở Bangladesh, hoạt động mại dâm là hợp pháp, nhưng theo Liên Hợp quốc, đại đa số những người hành nghề hoạt động bên ngoài nhà thổ đã đăng ký, trên đường phố hoặc trong các khu nhà tư nhân, có nghĩa là họ có rất ít sự bảo vệ trước những kẻ lạm dụng.
Ông KSM Tarique, Phó Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Lighthouse, cho biết phần lớn lao động tình dục giờ đây phải nhịn đói và ngày càng có nhiều khiếu nại về bạo lực hoặc quấy rối. “Hồi tháng 1 và tháng 2, chúng tôi thường nhận được 7 đến 10 đơn khiếu nại mỗi tuần. Nhưng trong một vài tuần hồi tháng 5, chúng tôi đã nhận được hơn 200 đơn khiếu nại từ các lao động (tình dục)”, ông cho hay.
“Điều này xảy ra bởi vì lệnh phong tỏa đang được áp dụng và những người hành nghề mại dâm trên đường phố, đang đói và đi tìm việc làm, bị quấy rối hoặc đánh đập bởi các nhóm khác nhau. Một lý do khác đằng sau sự quấy rối thể xác, đặc biệt là đối với những người hành nghề mại dâm trong nhà thổ, là vì họ không thể trả cho những ma cô dắt khách số tiền mà họ phải trả”, ông nói.
Bà Rina Akter, từng hành nghề mại dâm, nhưng hiện đang là người đấu tranh đòi quyền lợi cho chính họ, cho biết ít nhất 35 trong số khoảng 150 phụ nữ mà bà khảo sát ở Dhaka nói rằng, họ bị đám ma cô dẫn khách hoặc kẻ lạ mặt đánh đập.
Bangladesh hiện đã dỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng hoạt động mại dâm vẫn chưa phục hồi. Chính phủ cho biết họ đang trao đổi với các tổ chức từ thiện để tìm cách hỗ trợ người bán dâm.
Chính phủ đã phát thực phẩm cho các nhà thổ có đăng ký trong thời gian phong tỏa và hôm 24/6, họ đã phát 10kg gạo cho mỗi người trong số 1.300 gái mại dâm tại nhà thổ Daulatdia ở Dhaka, một trong những nhà thổ lớn nhất thế giới. Song các tổ chức từ thiện nói giới hữu trách cần phải làm nhiều hơn cho những người làm việc bên ngoài các nhà thổ đã đăng ký.