Cái nhìn khắc nghiệt từ chính người thân và bạn bè
Thái độ trong gia đình vẫn là một trong những thách thức lớn nhất mà cộng đồng LGBT Việt Nam phải đối mặt. Đa số các bậc phụ huynh lo lắng, đau khổ, thậm chí phẫn nộ, phản ứng gay gắt khi con mình công khai giới tính thật. Trong báo cáo nghiên cứu "Có phải bởi vì tôi là LGBT?" (2015) trên 2.362 người thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Viện iSEE, có tổng 25% bị hành hung, đánh đập hoặc cầm giữ trong nhà; 53,8% bị ngăn cấm các mối quan hệ; 24,3% bị ép buộc phải kết hôn và 62,9% bị ép buộc thay đổi ngoại hình, cử chỉ hành vi.
“Khi come out, sự công kích từ xã hội đáng sợ thật, nhưng thứ còn đáng sợ hơn là nhìn những người thân mình đau khổ, hay bị người thân và bạn bè xa lánh, coi là 1 thứ "bệnh", "không bình thường" hoặc "lệch chuẩn". Những lời nói, hành động đó như con dao sắc cứa vào tâm hồn của mình”. Chia sẻ từ Lê Ngọc Duyên (26 tuổi, TP HCM) khi nói về việc cô đã come out mình là lesbian (đồng tính nữ) như thế nào.
Tìm lại chính mình đã gian nan, được sống đúng với những gì mình mong muốn lại là cả một hành trình đầy đau khổ. Về nhà, là sự hắt hủi của mẹ cha, gièm pha của láng giềng, đến trường cũng không tránh nổi những châm chọc từ bạn bè, sự mỉa mai từ thầy cô. Bạo lực học đường - hậu quả từ sự thiếu hiểu biết trong xã hội - có sức tàn phá cực mạnh tới các em học sinh vẫn đang trong độ tuổi đi học. Rất nhiều học sinh nam, đặc biệt là các em chuyển giới (nhận ra mình có giới tính khác với giới tính sinh học từ rất sớm) thường bị tấn công tập thể bằng cách bắt ép phải tụt quần để xem bộ phận sinh dục, đổ nước nóng hoặc xát ớt vào vùng kín, đón đường để đánh hội đồng vì làm mất thể diện con trai... Nhưng các em thường không dám lên tiếng vì biết là thầy cô sẽ không bênh vực mình, còn mách ba mẹ thì lại càng không dám.
"Có lần em đi vệ sinh thì có nguyên xô nước từ trên trời rơi xuống dội vào người. Những năm cấp hai, những lời đe dọa, miệt thị, bôi nhọ… ở trường học là chuyện thường ngày mà em phải đối diện. Em từng bị giáo viên đuổi ra ngoài vì… không bình thường”, V. - một người chuyển giới nam đang theo học tại một trường THPT tại quận Bình Thạnh (TP HCM) nghẹn ngào chia sẻ.
Năm 2017, một clip dài hơn 30 giây đã ghi lại hình ảnh học sinh là LGBT bị các bạn trong lớp trêu ghẹo. Trong clip, học sinh nam đang ngồi “chịu trận” trước hàng loạt các hành động trêu chọc từ các bạn học trong lớp. Một số học sinh khác còn dùng điện thoại để quay lại cảnh bạn mình bị bắt nạt cùng tiếng cười đùa thích thú. Không một ai đứng ra bảo vệ bạn học sinh trước trò đùa độc ác này.
Vụ việc đau lòng trên tiếp tục trở thành một hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường đối với người LGBT. Câu chuyện về học sinh là LGBT bị trêu ghẹo trong đoạn clip chỉ là một trong số rất nhiều vụ bạo lực học đường với người LGBT đã và đang diễn ra.
Chật vật khi tiếp cận với cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội
Người LGBT phải đối mặt với sự bất công khi xin việc làm, hay thậm chí cả khi đang làm việc. Ngoài cơ hội xin việc làm khó khăn hơn, theo khảo sát năm 2014 của iSEE, trong môi trường công việc, 21% đã từng bị kỳ thị; tỷ lệ này cao đặc biệt trong nhóm chuyển giới với 68% đã bị kỳ thị, bao gồm cả các trường hợp nghiêm trọng là cho thôi việc.
Người chuyển giới còn gặp phải khó khăn trong các giao dịch dân sự như đi lại, ngân hàng, sở hữu tài sản do có thể hiện giới khác với giới tính sinh học và tên gọi của mình.
Việc được tiếp cận với dịch vụ y tế một cách bình đẳng cũng không dễ dàng với người LGBT, đặc biệt là người chuyển giới (trans). Do việc chuyển giới bị nghiêm cấm nên họ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, tính mạng. Không chỉ đối mặt với sự đau đớn khi bị tiêm hormon bổ sung, tiêm thuốc “chữa bệnh”, điện giật vào đầu, họ còn phải tự mình chi trả 100% chi phí phẫu thuật cho những trải nghiệm ấy. Đáng buồn hơn, vẫn chưa thật sự có nơi tư vấn tâm lý, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng hormon, mà đa phần người chuyển giới phải tự tìm kiếm hoặc xin kinh nghiệm từ người chuyển giới đi trước.
Ánh Phong, một người chuyển giới nữ đã nghẹn ngào trong một hội thảo về LGBT: “Bản thân tôi là người khá may mắn khi gia đình không kì thị và chấp nhận, các bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp cũng ủng hộ, nhưng vẫn còn biết bao bạn muốn chuyển giới để sống thật là mình vẫn còn bị kì thị, phân biệt đối xử, thậm chí đuổi khỏi gia đình và bạo hành. Chuyển giới không phải là một sự đua đòi các bác ơi, nó là khát khao rất lớn được là chính mình. Phẫu thuật rất đau, nhưng nếu có đau gấp đôi, tôi vẫn sẽ làm để được là chính tôi”.
Hệ quả đáng buồn
Sự kì thị từ người thân, bạn bè và xã hội đã gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách và khả năng hòa nhập của người LGBT. Việc phải che giấu bản thân đã khiến nhiều bạn trẻ phải tự đối đầu với những khủng hoảng tâm lý, không chia sẻ được khó khăn của mình với những người xung quanh. Điều này dẫn đến các vấn đề như trầm cảm, tự làm hại bản thân, sử dụng chất kích thích, gây nghiện hoặc thậm chí tự tử.
Nhiều hoa hậu chuyển giới, được công chúng đón nhận. |
Năm 2017, tâm thư tuyệt mệnh của một học sinh nữ trên bảng tin một trường đại học đã được chia sẻ mạnh mẽ trong cộng đồng. Cô yêu người bạn gái rất thân thiết của mình. Ngay khi lời tỏ tình được trao đi thì người bạn này đã đem chuyện này lan truyền cho cả trường cùng biết. Thời gian sau đó là địa ngục đối với cô khi mỗi ngày đến trường là những buổi cô phải chống chọi với những lời châm chọc, nhục mạ, bỡn cợt xung quanh. Trong nỗi tuyệt vọng và chỉ có một mình, cô đã bị một nhóm nam sinh xâm hại tình dục ngay sau khuôn viên trường với lời giải thích: "Để các anh giúp em trở thành đàn bà chính hiệu!".
"Tôi bẩn rồi. Và tôi không muốn tiếp tục có mặt trên cuộc đời này. Cầu chúc các bạn là người LGBT sẽ có cuộc sống may mắn hơn tôi", đó là những dòng sau cùng của cô trong bức thư đó.
Những trường hợp người LGBT tự tử trở nên không còn hiếm gặp. Vào tháng 1/2020, một bài báo của Cơ quan Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đưa tin về một cặp vợ chồng trẻ tự tử trong một nhà nghỉ ở Hà Nội, được cho là đã tuyệt vọng vì áp lực từ gia đình. Vụ án thương tâm là hồi chuông cảnh báo rằng vẫn còn điều gì đó sai trái trong cách tiếp cận của xã hội đối với cộng đồng LGBT.
Những năm gần đây, xã hội đã bắt đầu có những cái nhìn thoáng hơn về LGBT. Đã có nhiều cặp đôi đồng tính kết hôn, thậm chí có con trong sự ủng hộ của gia đình, cộng đồng. Đã có không ít người chuyển giới bước ra ánh sáng, đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn đây đó những kì thị dành cho họ mà phải cần thêm thời gian và nỗ lực mới có thể xoá bỏ được.
Trong Hiến pháp Việt Nam 2013, Điều 16 đã khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Những sự kì thị, phân biệt đối xử với người LGBT hiện nay đang đi ngược lại với những quyền cơ bản nhất của con người. Khi gạt bỏ đi những định kiến, ta sẽ thấy LGBT cũng là con người bình thường với đầy đủ khao khát và xứng đáng được chấp nhận, yêu thương. Tuy nhiên, vì sự khác biệt về bản dạng giới và xu hướng tính dục so với số đông, việc được sống như một con người với họ trở nên gian nan, khó khăn vô cùng. Sự hiểu biết và tình thương từ mỗi cá nhân sẽ giúp xoa dịu những nỗi đau cả về mặt thể xác lẫn tinh thần của người LGBT, trả lại cho họ quyền được sống một cuộc sống đầy đủ, bình đẳng và đích thực.