Sau 25,5 ngày làm việc khẩn trương, trong đó, có 42 phiên họp tại Hội trường, 10 phiên họp tại tổ, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành kế hoạch đặt ra.
Họp báo kết thúc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XIII |
Phần lớn thời gian dành cho hoạt động lập pháp
Quốc hội đã dành phần lớn thời gian (16 ngày – chiếm 62,75% ) để xem xét, thảo luận, cho ý kiến thông qua các dự án luật quan trọng, và các nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật. Tại kỳ họp có 9 luật được thông qua, gồm Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Thủ đô, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập các nhân.
Kỳ họp này Quốc hội cũng đã thông qua 3 nghị quyết: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo sửa đổi hiến Pháp năm 1992, dự án Luật Hòa giải cơ sở; Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật phòng, chống khủng bố, Luật giáo dục Quốc phòng – An ninh.
Về công tác giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; ban hành Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013; đồng thời xem xét báo cáo của MTTQVN, Ban Dân nguyện của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII.
Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được dư luận và cử tri quan tâm cũng đã được đưa ra bàn thảo, xem xét và quyết định tại Nghị trường của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII,
Phấn đấu để Đại biểu là đại diện cử tri của cả nước
Trong phiên họp báo chiều nay, ông Trần Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến những vấn đề bên lề Quốc hội như phiên họp kín về Biển đông, vấn đề người dân Văn Giang gửi thư đến Quốc hội…
Trả lời câu hỏi về việc có tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ngay không?. Việc công khai phiếu bầu đến đâu?... Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết sắp tới Văn phòng Quốc hội sẽ xây dựng một quy trình cụ thể về vấn đề này.
Về việc đại biểu quốc hội có được tiếp xúc với cử tri ở địa phương không phải nơi mình ứng cử hay không, chủ nhiệm Văn phòng quốc hội cho biết các đại biểu hoàn toàn có quyền này, Quốc hội khuyến khích các đại biểu tiếp xúc càng nhiều càng tốt, để các đại biểu quốc hội thực sự là cử tri cả nước, chứ không phải chỉ là đại biểu của một vùng miền nào đó.
Nhật Thanh