Đây là những băn khoăn, lo ngại của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) khi tham gia thảo luận tại hội trường sáng 12/6 về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Theo Đại biểu Nhưỡng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các TP lớn được coi là nhà mặt tiền của quốc gia, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, là trái tim của cả nước. “Trái tim không khỏe thì cơ thể không thể khỏe được”, Đại biểu đoàn Bến Tre nhấn mạnh.
"Trải qua mấy nghìn năm xây dựng, Hà Nội đã trở thành một trong những TP ấn tượng, TP hòa bình. Đây là công lao của người dân, của Đảng, của Nhà nước. Biết bao tiềm lực dành cho Hà Nội, bây giờ phát huy được tiềm lực này như thế nào? Cơ chế nào để phát huy tiềm lực ấy, “nhà mặt tiền” ấy?" - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn.
Ông Nhưỡng cho rằng, “xin cơ chế là đúng nhưng xin cơ chế phải khác với xin nguồn lực, phải đánh giá rõ ràng. Nếu không nguồn lực đổ về đây, những chỗ khác bị ảnh hưởng”.
Theo ông Nhưỡng, điều quan trọng hiện nay là phát huy vai trò cấp ủy, của chính quyền, người lãnh đạo, phát huy được sự phấn đấu của người dân. Nếu Hà Nội tăng thêm phần tốt, giảm đi phần tiêu cực (lật úp kim tự tháp…) thì Hà Nội sẽ trở thành vị trí xứng đáng.
Đặc biệt, Đại biểu Nhưỡng chỉ ra: “Tới đây, Hà Nội sẽ tăng thêm một số khoản thu, đặc biệt phí và lệ phí. Điều này đã đánh giá tác động như thế nào đối với doanh nghiệp và người dân sống trên địa bàn Hà Nội? Liệu với cơ chế này, các doanh nghiệp có tiếp tục coi Hà Nội là điểm đến hấp dẫn không? hay sẽ chuyển sang các tỉnh lân cận để hưởng các ưu đãi khác?”.
Khi thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù với TP Hồ Chí Minh thì TP Hồ Chí Minh có cam kết rõ ràng sự đóng góp. Ông Nhưỡng không thấy cam kết tương tự của Hà Nội và đề nghị phải có sự đánh giá đầy đủ về vấn đề này.