Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2016 – 2020, sản lượng khai thác dầu thô đã giảm dần; hệ số bù trữ lượng dầu khí suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu.
Do đó, cần có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cũng như cơ sở pháp lý để đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, thời gian qua, nhiều chính sách, luật mới được ban hành có liên quan đến hoạt động dầu khí như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các luật khác. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Dầu khí để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết.
Cùng chung quan điểm cần những cơ chế, chính sách cho ngành Dầu khí, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, những năm gần đây, khi có những cú sốc xăng dầu như xung đột Nga - Ukraine, nhiều quốc gia có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xăng dầu.
“Chúng ta có những quy định, chính sách hỗ trợ cho ngành Dầu khí nhưng chưa được luật hóa. Do đó, tôi ủng hộ sửa đổi Luật Dầu khí”, đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những quốc gia khai thác dầu mỏ, người dân phải được thụ hưởng từ việc khai thác đó. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, không có lý do gì mà không sử dụng các công cụ để giảm giá xăng dầu nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.
Theo đại biểu, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều thách thức.
Đời sống người lao động, người dân, người nghèo gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến giá cả các mặt hàng khác tăng theo.
Trong bối cảnh giả cả bất ổn hiện nay, đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị phải bảo đảm việc chủ động an ninh năng lượng quốc gia, có chính sách để bảo hộ với mặt hàng xăng dầu.
Còn đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang cho biết: Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại chi tiết các chính sách như tăng thời hạn hợp đồng dầu khí, tăng diện tích đối với hợp đồng dầu khí, gia hạn hợp đồng dầu khí..., bổ sung đánh giá tác động của những chính sách này.
Trong đó, các cơ quan chức năng đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia, tránh ảnh hưởng tới lợi ích và phát sinh tranh chấp, cũng như phát sinh các thủ tục hành chính, giấy phép con, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí... khi Luật có hiệu lực.