Việt Nam là ngôi sao sáng trong cuộc chiến chống COVID-19
Theo đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, mặc dù trong những năm qua, đặc biệt năm 2020 là một năm khó khăn chồng chất khó khăn, chúng ta đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai khó lường, do các yếu tố bất lợi và các xung đột địa chính trị gây ra.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan. |
Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực hoạt động, đã trở thành ngôi sao sáng trên trường quốc tế trong cuộc cách mạng chống đại dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế.
“Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao để vừa sẵn sàng chủ động ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do COVID-19 và thiên tai bão lũ gây ra, vừa để phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, Đại biểu Lan đánh giá.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) cũng nhận định, năm 2020 là năm có nhiều biến động lớn, gây nhiều khó khăn và thách thức cho thế giới và trong nước. Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự đồng lòng hỗ trợ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân chúng ta đã thành công xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19 cả 2 đợt cao điểm bùng phát dịch đã được khống chế một cách hiệu quả, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao.
“Ngân hàng Thế giới đã thừa nhận Việt Nam là một ngôi sao sáng trong bối cảnh ảm đạm vì COVID-19”, Đại biểu Phương nêu.
Từ thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã tác động tích cực to lớn đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tính đến hết quý III, tăng trưởng kinh tế đạt trên 2%, ước cả năm đạt từ 2-3% GDP, 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch do Quốc hội giao, thu hút FDI đạt 21 tỷ USD, xuất siêu đạt 17 tỷ USD, tăng thêm dự trữ ngoại hối, đưa tổng mức dự trữ ngoại hối lên đến gần 100 tỷ USD.
Các chỉ số về vĩ mô khác như: Chỉ số giá cả tiêu dùng, thu chi ngân sách, doanh số bán lẻ, chỉ số việc làm, chỉ số thất nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp mới được thành lập, v.v. tuy có bị sụt giảm, song nhìn chung vẫn giữ được ở mức khá an toàn, đời sống nhân dân được cơ bản cải thiện, nhiều mặt có bước tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới mới thấy được thành tựu lớn lao của nước ta trong thời điểm hiện nay.
Đồng tình chưa tăng lương cơ sở năm 2021
Mặc dù vậy, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang), về tài chính ngân sách nhà nước năm 2020, trong 8 giải pháp Chính phủ đưa ra, thì chưa thấy Chính phủ có giải pháp đối với khoản chi mang tính chất cấp bách cho một số nhiệm vụ chi đặc biệt quan trọng và cần thiết. Cụ thể là nhiệm vụ cấp bách để khắc phục thiệt hại sau hạn hán, lũ lụt, hỗ trợ các địa phương tiến hành sửa chữa, xây dựng lại các công trình đảm bảo giao thông và an ninh quốc phòng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. |
Từ đó, Đại biểu Hải nhận thấy nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn, cần có sự đồng lòng vào cuộc quyết liệt của tất cả các ngành, các cấp. Việc thu hồi các khoản nợ tạm ứng ngân sách nhà nước cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt truy thu các khoản nợ thuế cần thực hiện công khai đảm bảo công bằng cho tất cả những người nộp thuế.
Việc lập dự toán, thu chi cần sát với thực tế hơn, đảm bảo khả thi, nhất là các tính toán đến mức hoàn thành dự toán. Rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương có dư ODA chậm giải ngân, chậm tiến độ.
Đồng thời, cần xem xét, cân nhắc, tiếp tục cắt giảm nhiệm vụ chi thường xuyên, chưa cấp bách. Chúng ta chưa đến mức cần phải áp dụng ngay các chính sách thắt lưng buộc bụng như một số nước trên thế giới hiện nay, song các giải pháp tài chính trong thời gian tới cần được Chính phủ xây dựng cho nhiều tình huống khác nhau, trong đó cần tập trung cho các kịch bản tài chính xấu nhất khi mà dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường để chia sẻ những khó khăn chung của nền kinh tế.
Đáng chú ý, Đại biểu Hải hoàn toàn thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chưa tăng lương cơ sở năm 2021 để dành nguồn lực ưu tiên khắc phục thiên tai, khắc phục sản xuất, duy trì và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Hay vấn đề thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Đoàn TP Hải Phòng) phản ánh: Thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là thu giữ tài sản bảo đảm, vì cho rằng việc xử lý nợ xấu là lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng, việc hỗ trợ của chính quyền địa phương trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm còn hạn chế, mới chỉ tham gia vào quá trình chứng kiến và ký tên vào biên bản làm việc hoặc công an xã chỉ tham gia vào quá trình bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn trong quá trình thu giữ nhưng không thực hiện cưỡng chế khi khách hàng chống đối.
Điều này đã và cũng đang phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các giải pháp được nêu tại Nghị quyết 42. Trong thời gian tới, Đại biểu Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42, nhất là chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp, sở, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42, hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ.