Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm bị truy tố về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục bước sang ngày làm việc đầu tiên trong tuần thứ hai. Các luật sư tập trung làm rõ về số tiền 4,5 ngàn tỷ đồng mà Phạm Công Danh dùng 12 công ty để vay từ ngân hàng BIDV đang ở đâu.
Theo cáo trạng xác định, số tiền này đã được Phạm Công Danh dùng vào việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng VNCB lúc đó từ 3 ngàn lên 7,5 ngàn tỷ đồng. Thế nhưng cáo trạng chưa làm rõ được số tiền đó hiện đang có ở ngân hàng VNCB hay nó đã đi về đâu.
Trong các lời khai tại tòa trước đó, bị cáo Phan Thành Mai- Tổng giám đốc VNCB cho rằng nó đã được chuyển hết vào để tăng vốn điều lệ cho VNCB và bị cáo nghĩ nó đang ở trong ngân hàng, nhưng giờ ở đâu bị cáo không biết được. Tương tự, bị cáo Phạm Công Danh cũng cho rằng đã chuyển hết vào để tăng vốn điều lệ cho VNCB…
Thế nhưng khi trả lời các luật sư về việc số tiền đó còn nằm ở ngân hàng CB hiện nay hay không, nó được sử dụng vào mục đích gì, thì đại diện CBBank cho rằng số tiền đó đã hòa chung vào nguồn tiền của VNCB trước đó nên rất khó tách bạch được nó sử dụng vào đâu.
Nhiều người cho rằng, nếu ngân hàng nhà nước không cho VNCB tăng vốn điều lệ từ 3 ngàn lên 7,5 ngàn tỷ đồng, và thực tế Sở KH&ĐT tỉnh Long An đã điều chỉnh lại vốn điều lệ của ngân hàng này về đúng ban đầu là 3 ngàn tỷ đồng. Vậy tại sao số tiền 4,5 ngàn mà Phạm Công Danh và những người đứng tên đã nộp vào để tăng vốn điều lệ lại không được trả lại cho những người này?...
Trước sự truy vấn gắt gao của các luật sư về đường đi đầy “bí ẩn” của 4,5 ngàn tỷ đồng được xem là đã nộp vào để tăng vốn điều lệ cho VNCB, phía đại diện CBbank nhiều lần tỏ ra lúng túng, có khi lại xin phép để hỏi ý kiến ngân hàng nhà nước vì VNCB đã được ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Thấy đại diện CBbank trả lời chưa đầy đủ, HĐXX đề nghị CBbank phải cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan tới khoản tiền này để trả lời các luật sư và HĐXX một cách đầy đủ nhất. Phía đại diện CBbank hứa sẽ cung cấp đầy đủ, muộn nhất là vào ngày 16/1.
Các luật sư cho rằng nếu đúng tiền đã được chuyển vào VNCB và được VNCB sử dụng dưới hình thức nào đó thì phải trừ vào khoản được xem là bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 6 ngàn tỷ đồng nhằm đánh giá đúng, chính xác sự thiệt hại của VNCB cũng như tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trong những ngày vừa qua, một số bị cáo, nhất là với bị cáo Phạm Công Danh nhiều lần xin HĐXX cho được khai, giãi bày về một số tiền không lồ mà VNCB đã phải “cắn răng” trả lãi cho cha con ông Trần Quý Thanh. Tuy nhiên HĐXX cho rằng việc đó đã được khai trong giai đoạn 1, nó không nằm trong phạm vi của giai đoạn 2 nên đã nhiều lần ngắt lời, không cho các bị cáo khai về vấn đề này.
Hồ sơ vụ án thể hiện, giữa năm 2012, Ngân hàng Đại Tín đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Tiếp quản VNCB trong giai đoạn khó khăn, Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tập đoàn Thiên Thanh) không những không đưa ngân hàng này thoát khỏi “vũng lầy” mà ngày càng đẩy nó xuống “vực thẳm”.
Theo đó, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, lập hồ sơ khống, Phạm Công Danh đã cho lập ra hàng loạt công ty mà giám đốc toàn là nhân viên bảo vệ, xe ôm, tạp vụ (công ty này đều không hoạt động, không có doanh thu). Sau đó, Danh giới thiệu với các ngân hàng để cho các công ty này vay tiền, Phạm Công Danh sẽ lấy tiền của ngân hàng VNCB (do Danh làm chủ) đang gửi tại các ngân hàng để đảm bảo cho các công ty này vay tiền.
Sau khi được ngân hàng TPbank giải ngân 1,7 ngàn tỷ đồng, Sacombank giải ngân 1,8 ngàn tỷ đồng và BIDV giải ngân 4,7 ngàn tỷ đồng, bị cáo Danh đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: trả nợ ngân hàng, dùng tăng vốn điều lệ và một số mục đích khác.
Kết quả điều tra xác định, Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã phạm tội cố ý làm trái, gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB hơn 6,1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, việc xác định thiệt hại này chưa được làm sáng tỏ, bởi quá nhiều mâu thuẫn. Tại phiên tòa, HĐXX cũng như các luật sư đã đi sâu phân tích, mổ xẻ vấn đề này.