Theo hãng tin Sputnik, những ưu điểm vượt trội nêu trên của tàu ngầm lớp Borei của Nga được hai chuyên gia quân sự là Vitaly Bychkov và Vladimir Semiletov chỉ rõ.
Theo đó, 2 vị chuyên gia cho rằng, hệ thống thủy âm là “một trong những phương tiện cải tiến vượt trội” của tàu ngầm lớp Borei.
Hệ thống thủy âm của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei của Nga nhanh nhạy hơn nhiều so với các hệ thống lắp đặt trên tàu ngầm của Mỹ, cho phép phát hiện tàu địch ở khoảng cách xa gấp rưỡi so với các hệ thống tương tự của mẫu tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ.
Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky trước đó cũng cho hay, tàu ngầm lớp Borei của Nga được trang bị tổ hợp thủy âm Irtysh-Amphora-B-055 mang lại khả năng “nghe” vượt trội, có thể theo dõi đồng thời ít nhất 30 mục tiêu dưới nước.
Tổ hợp này bao gồm anten thủy âm chính Amphora với khả năng xử lý tín hiệu số, cũng như anten mạn tàu tiết diện lớn và anten kéo.
Ngoài việc phát hiện tàu ngầm, ngư lôi, mìn và các loại vũ khí dưới nước khác của đối phương, tổ hợp này còn cho phép đo độ dày của lớp băng ở vùng Bắc Cực, phát hiện các vị trí hở để đưa tàu nổi lên hoặc phóng tên lửa đạn đạo.
Tàu ngầm lớp Borei là tàu ngầm thế hệ thứ 4 của Nga mang theo tới 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RSM-56 Bulava (NATO gọi là SS-NX-30) với tầm bắn lên tới 9.000 km.
Trong biên chế đội tàu chiến của Hải quân Nga hiện nay có 6 tàu ngầm như vậy, gồm các tàu Yuri Dolgoruky, Alexander Nevsky, Vladimir Monomakh, Hoàng tử Vladimir, Hoàng tử Oleg và Đại nguyên soái Suvorov.
Một chiếc khác thuộc lớp Borei dự kiến sẽ được đưa vào biên chế Hạm đội Thái Bình Dương Nga trước cuối năm 2024 và 3 chiếc tàu ngầm thuộc lớp này đang được chế tạo.
Truyền thông Nga từng cho rằng Bulava là 1 trong 3 vũ khí được dự báo sẽ thay đổi chiến trường tương lai của Nga, là “siêu tên lửa thách thức mọi đối thủ”.
Mỗi tên lửa bay với tốc độ siêu thanh, có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân và có sức công phá lên đến 150 kiloton.