Cùng đón bằng kỷ lục Châu Á cho ẩm thực, đặc sản của Việt Nam lần này ngoài Atiso còn có các loại bánh dân gian Cần Thơ (Cần Thơ), cơm tấm Long Xuyên (An Giang), các món ăn từ khóm (Hậu Giang), xôi chiên phồng (Đồng Nai), thanh long (Bình Thuận), nước mắm Con Cá Vàng Phan Thiết (Bình Thuận), bánh phu thê Đình Bảng (Bắc Ninh), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).
Atiso là đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt mà bất cứ du khách nào đến với thành phố ngàn hoa cũng không nên bỏ qua. Atiso là giống cây ôn đới, được người Pháp mang đến Đà Lạt trồng vào đầu thế kỷ 20… Không có nhiều loại cây nào mà toàn bộ từ cây, rễ, gốc, thân cho đến lá, hoa đều có thể sử dụng được và có công dụng tốt như cây Atiso.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất việc mở rộng đối tượng được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, trong đó có Atiso và các sản phẩm từ Atiso. Trà Atiso cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề xuất sản phẩm tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử đối với 177 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3-5 sao và 31 sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Hoa Atiso ngoài chế biến thành nhiều món ăn ngon để tẩm bổ sức khỏe, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch… mà còn được dùng để pha trà uống hàng ngày, sấy khô để làm trà túi lọc có tác dụng thanh lọc, giải độc cơ thể.
Atiso không chỉ chế biến làm món ăn mà còn dùng để pha trà. |
Ở Việt Nam, Atiso được trồng nhiều ở Tam Đảo Vĩnh Phúc, Sa Pa Lào Cai, tuy nhiên nhiều nhất vẫn là ở Đà Lạt. Hiện nay, nhiều vườn ở Đà Lạt đã áp dụng quy trình VietGAP, GACP để cho ra đời sản phẩm chất lượng cao, không sử dụng phân, thuốc hóa học mà chỉ dùng phân chuồng ủ hoai mục, phun thuốc vi sinh. Chính vì thế, sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng, và trở thành một đặc sản nổi tiếng cũng như biểu tượng của thành phố.