Chuyện về hai vị công thần đền Kỳ Cùng - Tả Phù
Theo sử sách ghi lại, đền Kỳ Cùng thờ quan Tuần Tranh thuộc nhà Trần là vị quan được triều đình cử lên Lạng Sơn trấn ải biên thùy. Một lần đánh trận, quân của ông bị ốm đau và thương vong nhiều, sợ triều đình phạt nên ông đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn.
Đến đời nhà Lê, khi Tả Đô đốc Hán quận công Thân Công Tài lên Lạng Sơn nhậm chức rồi biết được chuyện ấy, đã viết sớ tâu với vua để biện minh cho ông.
Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài sinh năm 1620, xuất thân trong một gia đình quý tộc có học vấn cao, dòng dõi có nhiều người làm quan. Với tài đức vẹn toàn ông được Chúa Trịnh trọng dụng, bổ nhiệm lên làm Phó tướng đô đốc cùng với vũ quận Công Vi Đức Thắng trấn giữ biên thùy cách tân đất nước, mở rộng mối quan hệ giao thương với các nước láng giềng.
Từ một vùng đồi núi hoang vu, dân cư thưa thớt, ông là người huy động sức dân cho san đồi lập ấp và lập nên 7 phố phường trở thành điểm quần cư đa dân tộc. Đồng thời, vùng đất này trở thành một cửa ngõ buôn bán sầm uất, tấp nập thu hút thương nhân miền xuôi miền ngược và nước bạn đến kinh doanh. Tạo dựng trấn Lạng Sơn thành khu buôn bán khang trang, sầm uất và ổn định với phố chợ Kỳ Lừa ngày nay.
Tương truyền rằng, trước khi khai phá mở chợ, khu vực Kỳ Lừa thường hay ngập úng, lũ lụt, dân tình khốn khó. Khi dựng chợ, ông Thân Công Tài đến đền Kỳ Cùng cúng cầu xin thần Giao Long (Thủy thần) phù hộ nên không còn lũ lụt nữa, đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.
Theo các bô lão địa phương, lịch sử đền Kỳ Cùng đã có từ rất lâu và không ai rõ về năm xây dựng. Ban đầu, đây là một ngôi đền nhỏ dựng bằng đất lợp ngói, thờ thần Giao Long, tức Quan Tuần Tranh - vị Thủy thần cai quản toàn vùng, với tâm niệm Ngài sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa. Sau này, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi đền xưa nay đã không còn. Người dân địa phương và các nhà hảo tâm đã xây dựng lại ngôi đền mới khang trang, bề thế hơn.
Năm 1993, di tích đền Kỳ Cùng được Nhà nước chứng nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đến nay, ngôi đền đã trở thành địa điểm lưu giữ nhiều giá trị tâm linh lâu đời, biểu tượng thiêng liêng không thể thay thế của người dân Vĩnh Trại, Lạng Sơn.
Đền Kỳ Cùng tọa lạc tại vị trí trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Lạng Sơn. Kiến trúc nơi đây xây dựng theo kiểu chữ Đinh giống các ngôi đền khác, gồm 3 cửa vòm cuốn với 2 trụ gạch vuông. Bên trên được đắp nổi các hoa văn, trên cùng là bộ tam khí gồm đỉnh và lọ hoa thờ hai bên. Mặt ngoài đền hướng ra sông Kỳ Cùng, mang hình dáng gạch tháp chồng diêm.
Bên trong đền gồm những hoành phi, đại tự có niên đại từ thời Lê - Nguyễn cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị tâm linh như: chuông, ngai, tán, lọng, đỉnh đồng và các pho tượng cổ.
Hiện nay, ngoài Quan Lớn Tuần Tranh được thờ chính thì đền còn có thêm gian thờ Mẫu Phật Quan Âm, Tam Tòa Thánh Mẫu. Ngoài ra, sân đền còn có bến đá, là 1 trong 8 cảnh đẹp của Lạng Sơn ghi trong “Trấn doanh bát cảnh”, được danh nhân Ngô Thì Sĩ gọi là Kỳ Cùng thạch độ. Theo lịch sử ghi lại, xưa kia bất cứ các sứ giả qua lại với Trung Quốc cũng đều phải đi qua bến đá này, sửa soạn lễ vật lên thắp hương cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại.
Đồng thời, trong số những điểm tâm linh nổi tiếng tại Xứ Lạng không thể không nhắc tới di tích đền Tả Phủ thờ Hán quận công Thân Công Tài. Theo văn bia lưu giữ tại đền, ngôi đền này được nhân dân 7 phường chợ ở Đoàn Thành Lạng Sơn cùng với 13 phường buôn Trung Quốc cùng nhau xây dựng vào năm 1683. Đền Tả Phủ (Tả Phủ Linh từ) có kiến trúc gồm 2 tòa, theo lối chữ Công, hướng chính quay về phía Tây. Đền thờ Tả đô đốc, Hán quận công Thân Công Tài, người có công trong việc mở mang phố chợ Kỳ Lừa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Lễ hội cướp đầu pháo cầu may ở thành phố Lạng Sơn luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. |
Linh thiêng lễ hội cướp đầu pháo
Hiện nay, đền Tả Phủ còn lưu giữ được một số di vật quý như: tấm đại tự cổ “Hoài Đức hàm ninh”; tấm bia “Tôn sư phụ bi” tạo dựng năm Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 năm 1683… Năm 1993, đền Tả Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Lễ hội của đền được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng hằng năm, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015.
Theo đó, Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ là sự gắn kết về các nghi thức tế lễ, rước kiệu và các trò chơi, diễn xướng dân gian đặc sắc của nhân dân, đồng thời cũng là dịp để người dân tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn công đức của Quan lớn Tuần Tranh và Phó tướng Thân Công Tài là những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Hàng năm vào đúng giờ Ngọ ngày 22 tháng giêng người dân địa phương mở hội rước kiệu cùng bát hương Quan Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ tạ nghĩa và đến ngày 27 tháng giêng rước kiệu trở lại đền Kỳ Cùng. Trong ngày này tại đền Tả Phủ diễn ra lễ tranh đầu pháo. Nghi lễ này được tổ chức rất long trọng trước giờ rước kiệu.
Theo quan niệm dân gian, người nào tranh được đầu pháo và mang về nhà thờ cúng sẽ mang lại sức khỏe, tài lộc và may mắn cho gia đình trong năm. Kiệu được trang hoàng lộng lẫy, các đồng đăng, đồng tử cùng các vị bô lão trong trang phục chỉnh tề cùng đội múa sư tử dẫn đầu diễu qua các phố. Người dân và các doanh nghiệp đóng trên các tuyến đường có đoàn rước lễ đi qua thường dựng rạp, đặt đồ cúng lễ trước cửa nhà để tạ ơn. Trung tâm của mâm lễ là con lợn quay, với mong muốn thần linh sẽ phù hộ cho gia đình gặp nhiều tài lộc, bình an.
Đầu pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m, bên trong đầu pháo người ta để một vòng kim loại, nối với đầu pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống sát mặt đất. Khi pháo được đốt, đầu pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống rồi xông vào tranh cướp.
Người nào tranh được thì đem đến trình báo với nhà đền, sau đó Ban Tổ chức sẽ thông báo và vinh danh, tặng thưởng rồi rước về tận nhà để tạ ơn tổ tiên. Đến năm sau người đó sẽ quay một con lợn, rước đến nhà đền để làm lễ vật dâng cúng lên thần linh.
Theo TS Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, tục cướp đầu pháo cầu may có từ thế kỷ 17, gắn với Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ. Đầu pháo được làm bằng vòng tròn bằng đồng, được bắn ra từ bánh pháo nổ trong khoảng sân rộng trước đền. Mọi người tranh nhau đầu pháo tạo không khí vô cùng sôi nổi, náo nhiệt. Người dân xứ Lạng quan niệm ai cướp được đầu pháo sẽ gặp may mắn cả năm.
Bên cạnh màn tranh đầu pháo, năm nay Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ còn có những hoạt động đặc sắc, nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch: trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, lảy cỏ, múa sư tử, chèo xuồng… Diễn xướng dân gian với các làn điệu sli, lượn, hát then… Không gian ẩm thực với thịt lợn quay, thịt vịt quay, trải nghiệm giã bánh dày, làm bánh ngải…. Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tổ chức Trưng bày chuyên đề “Chợ phiên Kỳ Lừa xưa”…
Phần hội cũng được nhân dân tham gia đông đảo với các màn múa lân, múa rồng, cướp đầu pháo, cờ người, kéo co… Đây cũng là dịp người dân thành phố Lạng Sơn mời bạn bè gần xa đến với lễ hội đặc sắc, riêng có này. Đồng bào các dân tộc đều xúng xính áo váy của dân tộc mình khi tham gia lễ hội…
Đám rước lớn nhất trong 300 lễ hội xứ Lạng
Hội đầu pháo nổi tiếng Lạng Sơn có từ thế kỷ 17, gắn với truyền thuyết lịch sử thể hiện lòng nghĩa hiệp của viên tướng thời Hậu Lê là Thân Công Tài đã có công xây dựng chợ Kỳ Lừa.
Ngày 17/2/2023 (tức 27 tháng Giêng năm Quý Mão), hàng vạn người đổ về thành phố Lạng Sơn để xem đám rước trong khuôn khổ Lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Lừa cầu mong được phát tài phát lộc và bình an trong năm mới. Đây là đám rước lớn nhất trong gần 300 lễ hội của tỉnh Lạng Sơn từ đền Tả Phủ - Kỳ Lừa về đền Kỳ Cùng, gắn kết về các nghi thức tế lễ, rước kiệu và các trò chơi, diễn xướng dân gian đặc sắc của nhân dân, đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia.