Như PLVN đã đưa tin, trước phản ánh nhiều năm liền của người dân về việc Công ty CP thép Dana Ý và Công ty CP thép Dana Úc (viết tắt Dana Ý và Dana Úc) đóng tại KCN Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), chính quyền Đà Nẵng đã tổ chức họp dân và đi đến thống nhất, yêu cầu 2 Công ty tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường kể từ ngày 28/2.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, UBND TP lại ra thông báo, 2 nhà máy thép được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 26/3, trong thời gian 6 tháng nhằm xử lý những tồn đọng liên quan của doanh nghiệp và giảm thiểu các thiệt hại phát sinh khi dừng hoạt động theo quy định pháp luật. Thông báo của UBND TP Đà Nẵng ghi rõ, trong thời gian hoạt động trở lại, cùng với việc tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, đề nghị 2 Công ty không thực hiện việc mở rộng hoạt động sản xuất, không giao kết hợp đồng mua nguyên vật liệu là phế liệu để sản xuất thép.
Thế nhưng, theo người dân địa phương, thời gian qua, 2 Công ty vẫn tiếp tục nhập nguyên liệu. Lãnh đạo các doanh nghiệp này thừa nhận, họ không sai khi xuất, nhập hàng. Với lượng nguyên liệu ứ đọng hiện nay, phải hết 1 năm nhà máy mới sản xuất hết nguyên liệu đã nhập về. Đáng nói, đến nay sau 6 tháng cho hoạt động lại của 2 nhà máy nêu trên đã hết hiệu lực, nhưng TP vẫn chưa có động thái gì khiến người dân càng bức xức. Liên lục trong đêm 27 và ngày 28/9, người dân xã Hòa Liên lại tiếp tục “vây” Nhà máy để đòi quyền lợi, gây nên cảnh mất an ninh trật tự tại địa phương.
Chiều qua (28/9), trả lời báo chí, ông Lê Quang Nam cho biết, TP đã thành lập 2 tổ công tác giám sát hoạt động của nhà máy từ ngày 3/4 đến nay và chia làm 2 ca liên tục. Ngoài ra, TP cũng mời đơn vị quan trắc độc lập để kiểm tra về đất, nước ngầm, khả năng ô nhiễm nhưng đến ngày 2/10 mới có kết quả quan trắc để báo cáo, trình UBND TP. Ông Nam nhấn mạnh, nếu nhà máy gây ô nhiễm mức độ lớn sẽ cho ngừng hoạt động, còn những phương án khác, phải chờ kết quả trong tháng 10 tới mới tính được.
Điều đáng nói, việc ngưng hoạt động hay di dời nhà máy thì cuộc sống của người dân khu vực gần 2 nhà máy vẫn chưa được giải quyết ổn thoả. Theo ghi nhận của PLVN, đa phần bà con xã Hòa Liên muốn di dời khỏi khu vực gần nhà máy, nơi đã bị ô nhiễm, nhưng TP Đà Nẵng lại dừng thực hiện chủ trương di dời như trước đây đã thông báo với bà con. Ông Phan Văn Minh (ở tổ 3, thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) nêu, người dân ở đây đã chịu đựng tình cảnh tạm bợ đến 10 năm, trong khi đó nước ngầm đã bị ô nhiễm nặng, nhà cửa hư hỏng và những hệ lụy từ môi trường xảy ra quá lớn. Vì thế, phương án để dân ở lại thời điểm này không còn khả thi.
Được biết, Nhà máy thép Dana Ý có diện tích 170.000 m2, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, trên 1.000 lao động và sản lượng 400.000 tấn/năm. Còn Dana Úc có vốn đầu tư ban đầu 500 tỷ đồng, quy mô 50.000 m2, hàng năm cho ra đời 300.000 tấn sản phẩm thép xây dựng các loại và khoảng 300.000 tấn phôi.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa trong buổi làm việc với huyện Hòa Vang mới đây đã khẳng định, việc TP cho xây hai nhà máy thép là “phá vỡ hết quy hoạch”, vì các ngành công nghiệp dệt may, điện tử như quy hoạch ban đầu không thể chịu nổi tiếng ồn và khói bụi. Ông cũng yêu cầu chính quyền giải quyết “một lần cho xong” chuyện di dời nhà máy và người dân.