Cụ thể, Bản sắc đô thị Đà Nẵng sẽ được xây dựng xoay quanh 3 đặc trưng chủ yếu là hình thái không gian đô thị gắn với yếu tố đặc trưng và cảnh quan tự nhiên núi - sông - biển; bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc bản địa, gồm kiến trúc Đông Dương, kiến trúc dân gian truyền thống (làng nghề, đình làng,...).
Đồng thời, Đà Nẵng cũng khuyến khích các loại hình, phong cách kiến trúc hiện đại, trong đó chủ trọng kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc bền vững. Bên cạnh đó, các phân khu phải được xác định về hình thái không gian và bản sắc đô thị riêng, phù hợp với đặc trưng hiện trạng, đặc điểm hoạt động và chức năng hướng đến của từng khu vực.
Theo kế hoạch, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đối với khung thiết kế đô thị tổng thể là bảo vệ giá trị và khai thác lợi thế của điều kiện địa hình tự nhiên; gìn giữ đa dạng sinh học; duy trì những khoảng không gian xanh, góc nhìn và tầm nhìn đến những khu vực cảnh quan tự nhiên.
Đối với tổ chức không gian, yêu cầu bảo đảm dành quỹ đất cho các khu vực cửa ngõ đô thị, bố trí các công trình biểu tượng, công trình điểm nhấn... có giá trị về mặt kiến trúc cảnh quan, là điểm nhận biết khi vào thành phổ; kết hợp theo đề án tổng thể mạng lưới tượng, tượng đài và tranh hoành tráng.
Còn về tổ chức mạng lưới không gian xanh, đất, cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị được tổ chức hành lang xanh, bao gồm các hành lang nằm dọc theo các con sông Hàn và Cu Đê,... Hệ thống công viên tuyến tính dọc theo bờ sông và khu vực ven biển, xung quanh các hồ nước, tại giao điểm của hành lang xanh và mặt nước, hoặc gần trung tâm mỗi khu đô thị. Hành lang cây xanh cách ly được tạo thành các trục kết nối các không gian xanh trong toàn thành phố.
Ngoài ra, công viên chuyên đề sẽ được phân bổ cho các khu vực trung tâm thành phố, khu vực bờ đông và khu vực phía tây thành phố, phục vụ các hoạt động giải trí hấp dẫn dành cho người dân và du khách.