Theo nhiều cử tri, vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu dân cư do ảnh hưởng hoạt động của Công ty dệt may Vinatex đã phản ánh nhiều lần và đề nghị thành phố sớm di dời ra khỏi khu dân cư. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Phú Lộc kéo dài nhiều năm, gây bức xúc và ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân trong khu vực. Cử tri quận Thanh Khê đã kiến nghị rất nhiều lần với HĐND, UBND thành phố và gần đây nhất đã phát biểu tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” tháng 6/2017.
Tuy nhiên, đến hôm nay việc xử lý ô nhiễm môi trường tại sông Phú Lộc không hiệu quả, “mùi hôi vẫn còn”. Đặc biệt hiện tượng cá chết tái diễn nhiều lần gây ô nhiễm môi trưởng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Cử tri đề nghị UBND thành phố sớm có biện pháp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng và phát triển Thanh Khê trở thành đô thị văn minh, hiện đại của thành phố đề nghị UBND thành phố xem xét quy hoạch, cải tạo kiến trúc cảnh quan sông Phú Lộc.
Ông Tô Hùng, tân Giám đốc Sở TNMT trả lời ý kiến cử tri về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố |
Đặc biệt, cử tri Nguyễn Văn Sáu (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn quá "nóng". Bãi rác đã đi vào thời điểm quá tải, gần 30 năm hoạt động. "Người dân Khánh Sơn mong muốn thành phố sớm có văn bản chính thức trả lời về việc di dời bãi rác Khánh Sơn. Ngoài ra, khi chưa di dời được bãi rác thì cần có giải pháp hạn chế tối đa mùi hôi ảnh hưởng đến người dân", ông Sáu nói.
Cũng theo ông Sáu, thành phố cần có những chính sách ưu tiên đặc biệt để hỗ trợ người dân sống cạnh bãi rác. Hiện nay, thành phố đầu tư nhà máy nước thải quy mô lớn, nhưng cần thường xuyên chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ các thông số thải ra môi trường...
Ông Tô Văn Hùng, người được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng vào tháng 10 vừa qua thông tin, tại bãi rác Khánh Sơn hiện nay có gắn 2 camera để giám sát trực tiếp; đã thu hẹp diện tích chôn lấp dưới 2.000m2 như cam kết; đã quy hoạch vị trí để chôn lấp chất thải công nghiệp cũng như bùn bể phốt phía Tây bãi rác.
Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng thông tin thêm, hiện đơn vị này tiếp tục đo khảo sát để phủ bạt và trồng cây xanh cách ly. Đồng thời, sắp tới sẽ có 3 buổi làm việc với chuyên gia nước ngoài tìm cách đáp ứng nhu cầu xử lý rác của thành phố. Cuối năm 2018 sẽ trình HĐND TP thông qua nghị quyết về thu gom rác sinh hoạt, trong đó có đề án phân loại rác sinh hoạt. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ triển khai trên toàn thành phố.
Liên quan đến xử lý nước thải ven biển, ông Tô Văn Hùng cho rằng, trời mưa nước tràn qua cửa xả là tất yếu. Hiện Sở đã chỉ đạo nạo vét và thực hiện được 5.000m3 bùn và đắp đê ngăn chặn cát, rác tràn vào chắn đi cửa xả. Đây cũng là lý do nước chảy ngược lại khu dân cư.
"Thành phố đang có 3 dự án cải thiện xử lý nước thải ven biển. Trước mắt, dự án 1.400 tỷ đồng đang thực hiện các thủ tục, ngoài ra, có 2 dự án khác từ dự án nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới. Những dự án này sẽ được triển khai trong năm 2019 và 2020, tôi tin tình hình sẽ thay đổi. Tuy nhiên, cũng phải cần kiểm soát chặt các nhà hàng kinh doanh ven biển. Nếu đầu tư hiện đại nhưng rác thải cứ xả xuống cống thì không thể xử lý dứt điểm được", ông Hùng nói.