Như VnEconomy đã đưa tin trước đó, ngày 16/11/2018, UBND thành phố Đà Nẵng đã chính thức huỷ kết quả đấu giá khu đất A20 mặt tiền Võ Văn Kiệt-đường Ngô Quyền, đường Lý Nam Đế (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) của Công ty Cổ phần Vipico. Ngày 26/7/2017, Vipico đã trúng giá khu đất này khi là người bỏ giá cao nhất, đạt 652 tỷ đồng, tương ứng 56,8 triệu đồng/m2 (diện tích 11.487 m2). Vụ việc vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt dưới góc độ pháp lý.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội đã đưa ra quan điểm về vụ việc này.
Đà Nẵng có đủ căn cứ thu hồi?
Ông Chiến phân tích, theo quy chế tổ chức cuộc bán đấu giá, tại mục thời hạn nộp tiền, biên bản bán đấu giá tài sản ngày 27/6/2017 xác định rõ: Người trúng đấu giá, (Vipico) có nghĩa vụ nộp 50% trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế (tức 20/10/2017); Nộp đủ 50% tiền trúng đấu giá trong thời hạn 60 ngày tiếp theo (tức 19/12/2017).
Quá thời hạn theo thông báo của Cơ quan Thuế, người trúng đấu giá không nộp tiền sử dụng đất thì hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nộp ngân sách thành phố. Như vậy, theo quy định này thì quá thời hạn nộp tiền mà người trúng đấu giá không nộp tiền sử dụng đất thì mới bị hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nộp ngân sách thành phố.
Ngày 21/9, Cục Thuế Đà Nẵng phát hành văn bản thông báo việc nộp thuế của Vipico ghi rõ: "Quá thời hạn phải nộp nêu trên, nếu đơn vị chưa nộp số tiền thuê đất phải nộp này thì sẽ bị xử lý chậm nộp theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế".
Đến ngày 12/10, Cục thuế Đà Nẵng tiếp tục phát hành văn bản thay đổi thành: "Quá thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế, nếu đơn vị không nộp đủ số tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách nhà nước - kể cả đợt nộp đầu tiên trong vòng 30 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan thuế thì huỷ kết quả đấu giá và thu hồi tiền cọc nộp ngân sách thành phố theo quy định tại Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng".
Ông Chiến cho rằng những quy định nêu trên là mâu thuẫn, không đồng nhất quan điểm và trái quy định của pháp luật khiến doanh nghiệp mất thế chủ động trong việc lo tiền nộp. Mặt khác, theo Luật Đấu giá tài sản 2016 (hiệu lực từ ngày 01/7/2017) quy định, không nộp đủ cũng như nộp tiền quá thời hạn yêu cầu không được coi là một trong các trường hợp bị huỷ kết quả đấu giá. Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, nếu quá thời hạn theo Thông báo của cơ quan thuế mà chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với trường hợp của Vipico, công ty đã nộp đủ tiền đấu giá đợt 1. Hạn nộp đợt 2 là ngày 19/12/2017, trước khi đến thời hạn này ngày 22/11 Vipico đã có văn bản gửi Đà Nẵng xin ý kiến nộp chậm đợt 2, song không nhận được phản hồi, đến ngày 17/12, công ty tiếp tục có văn bản gửi Đà Nẵng hỏi về việc chậm nộp nhưng đến đúng ngày 19/12 Đà Nẵng mới có văn bản trả lời Vipico rằng để hỏi ý kiến Bộ Tài chính.
Đến ngày 6/1, UBND Đà Nẵng phát công văn hỏi Bộ Tài chính thì đến 9/2/2018 Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận nộp chậm cộng với phạt nộp chậm. Ngay trong ngày 9/2/2018, Vipico đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đợt 2. Việc chậm nộp 52 ngày thực chất là thời gian chờ các bên liên quan có ý kiến.
"Đà Nẵng hủy kết quả đấu giá, doanh nghiệp chưa được nhận và sử dụng đất một ngày nào, UBND Đà Nẵng thu toàn bộ tiền cọc và tiền chậm nộp, thờ ơ trước nguy cơ doanh nghiệp lâm vào vòng phá sản. Nếu việc chậm nộp lần 2 được xác định là vi phạm thì chí ít cũng phải có sự nhắc nhở và cảnh báo vi phạm. Dự liệu trước khả năng chậm nộp, doanh nghiệp đã có văn bản xin ý kiến chậm nộp và đóng 5 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm là không còn điều kiện để huỷ kết đấu giá", Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng nếu UBND Đà Nẵng xác định doanh nghiệp vi phạm đến mức phải huỷ thì phải thông báo vi phạm và không nhận tiền chậm nộp.
Theo quy định của pháp luật, tiền phạt chậm nộp có nghĩa doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp tiền để có quyền nhận tài sản trúng đấu giá. Nếu xác định huỷ hợp đồng thì UBND Đà Nẵng không tiếp tục nhận tiền đợt 2 và không nhận tiền phạt chậm nộp.
Doanh nghiệp có thể khởi kiện ra toà
Tại Quyết định số 5443 ngày 16/11/2018 hủy bỏ kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với lô UBND Tp.Đà Nẵng cho biết căn cứ theo kết luận của Kiêm toán Nhà nước tại báo cáo số 425 và thông báo số 426 ngày 4/9/2018. Tuy nhiên, ngày 26/11, Kiểm toán Nhà nước đã phát đi thông tin giải thích nội dung báo cáo mà UBND Đà Nẵng đã dựa vào đó để hủy kết quả đấu giá. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định, việc đánh giá kết luận của Kiểm toán Nhà nước phải dựa vào quy định của pháp luật và bằng chứng kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau khi kết thúc kiểm toán, ngày 19/7/2018, Kiểm toán Nhà nước mới nhận được văn bản của UBND Tp.Đà Nẵng thông báo quyết định số 01/2015/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng đã hết hiệu lực. Như vậy, báo cáo kiểm toán căn cứ vào quyết định số 01/2015/QĐ-UBND là không đúng (vì đã hết hiệu lực).
Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc nộp tiền sử dụng đất của Công ty Vipico và có nêu việc Công ty chậm nộp tiền 52 ngày là một thực tế. Bên cạnh đó báo cáo cũng nêu bất cập trong cơ chế chính sách, cụ thể là Thông tư số 88/2016/TTLT-BTC-BTNMT về việc doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền chậm nộp là không phù hợp với quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến khẳng định: quyết định hủy kết quả đấu giá của UBND Đà Nẵng không những không có căn cứ mà trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
"Nghiên cứu văn bản giải thích của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kiểm toán thấy rõ, khi doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền chậm nộp chứ không có ý kiến nào là hủy kết quả đấu giá. Ý kiến này không trái với ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành của Thành phố Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng viện lý do thực hiện Báo cáo kiểm toán là ngụy biệt trước việc làm bất chấp pháp luật bởi lẽ chúng ta đề nhận thức được thông báo kiểm toán không phải là văn bản quy phạm pháp luật, thông báo của Kiểm toán Nhà nước không phải là văn bản chỉ đạo của cấp trên", ông Chiến nói và khẳng định quyết định hủy kết quả đấu giá đối với Công ty Vipico là không có căn cứ, trái các quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là kể từ khi xong nghĩa vụ tài chính với lô đất (tháng 2/2018 đến nay) Vipico vẫn chưa được giao đất.
"Về nguyên tắc, khi biết quyết định của mình không đúng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, các bên sớm ngồi lại để kịp thời tìm giải pháp khắc phục. Nếu quyền lợi của doanh nghiệp bị thiệt hại mà không được giải quyết thỏa đáng, thì doanh nghiệp có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật. Trong việc này UBND Đà Nẵng nên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp để tìm được tiếng nói chung, giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý bảo đảm quyền lợi của các bên", ông Chiến nói.