Theo thỏa thuận hợp tác này, hai bên phối hợp cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp (khách hàng) theo trình tự:
Thực hiện tiếp nhận hồ sơ tại địa chỉ khách hàng, tại hệ thống điểm giao dịch, thu hộ tiền phí/lệ phí liên quan đến hồ sơ (nếu có)... Thay mặt khách hàng nhận kết quả giải quyết TTHC và phát trả đến địa chỉ khách hàng (tại TP Đà Nẵng và liên tỉnh). Thu hộ tiền phí/lệ phí liên quan đến hồ sơ (nếu có)… Các dịch vụ trên được áp dụng giá cước gồm: Cước chuyển phát + Cước thu hộ phí/lệ phí hồ sơ (nếu có).
Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP cho rằng, việc ký kết thỏa thuận và triển khai các nội dung đi kèm góp phần vào mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử của TP Đà Nẵng, giảm áp lực cho cán bộ, công chức của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Sở. Giám đốc Sở KH&ĐT cũng chia sẻ thêm, việc triển khai dịch vụ công như hiện nay vẫn còn một số tồn tại, thông tin tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp vẫn chưa sâu rộng.
“Qua việc ký kết phối hợp, mong muốn Bưu điện Đà Nẵng kết hợp với các sở, ngành trong việc tuyên truyền, quảng bá, làm sao cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu được lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công ích” ông Sơn nói.
Về phía Bưu điện Đà Nẵng, Giám đốc Nguyễn Thị Khánh Nga cho biết, việc kết nối mạng CNTT của Bưu điện Đà Nẵng đã hoàn tất từ tháng 6/2018. Trên cơ sở này, Bưu điện Đà Nẵng đã phối hợp cùng với Tổng đài 1022 để triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg tại Trung tâm Hành chính TP.
“Bưu điện Đà Nẵng tích cực triển khai nhiệm vụ thông qua ký kết hợp tác, đi sâu vào quy trình, nghiệp vụ của từng sở, ngành để đem đến những tiện ích, thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các TTHC của từng sở, ngành, làm sao để thủ tục nhận vào ít sai sót nhất. Riêng đối với dịch vụ công trực tuyến, bưu điện gần như miễn phí cho người dân”, bà Nga thông tin.