Đà Nẵng định hướng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Đà Nẵng đang hoàn thiện Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024. Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng, ngày 14/11.

Sự kiện do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp Bộ Công Thương tổ chức, thu hút gần 400 khách mời trong nước và quốc tế tham dự, gồm đại diện lãnh đạo Bộ, ban ngành Trung ương; các Tổ chức quốc tế và Quỹ đầu tư trong, ngoài nước; các Hiệp hội; các Viện, trường học, cơ quan nghiên cứu; các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng cảng, kho bãi, vận tải, các hãng tàu trong và ngoài nước…

4 yếu tố để phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Tại Diễn đàn, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển thành một khu thương mại tự do tiên phong, tạo động lực mạnh mẽ cho ngành logistics và kinh tế khu vực.

Diễn đàn "Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng".

Diễn đàn "Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng".

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng, bà Minh nêu 4 đề xuất chính sách quan trọng.

Thứ nhất, Đà Nẵng đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này, theo bà Hạnh, không chỉ bao gồm cảng biển, sân bay mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi và các trung tâm phân phối tiên tiến. Hạ tầng đồng bộ sẽ giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do. Thứ hai, cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do. Các ưu đãi thuế và cơ chế hải quan thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thuận tiện trong thương mại quốc tế.

Thứ ba, phải phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đà Nẵng nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon và thúc đẩy sản xuất xanh trong khu vực. Thứ tư, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài thông tin, năm 2023, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14 - 16%/năm, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành logistics, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Hoài, Đà Nẵng là một trong những thành phố phát triển năng động và hiện đại của Việt Nam, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Đây cũng là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Khu thương mại tự do phát triển theo mô hình “khu trong khu”

Ông Bùi Quang Bình, đại diện nhóm tư vấn xây dựng đề án Thành lập Khu thương mại tự do - Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ phát triển phức hợp đa chức năng theo mô hình “khu trong khu”. Mô hình này có sự kế thừa và tính toán theo điều kiện thực tế.

Có 4 ngành ưu tiên định hướng phát triển ở Khu thương mại tự do Đà Nẵng là logistics, sản xuất, dịch vụ và thương mại, đổi mới sáng tạo. Trong đó, logistics gắn với vận tải đa phương thức, dịch vụ phụ trợ và kho bãi, dịch vụ logistics số hiện đại. Sản xuất gồm điện tử tiên tiến, sản xuất máy bay, phụ trợ hàng không và MRO, dược phẩm và công nghệ sinh học, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP) chip bán dẫn. Dịch vụ và thương mại gồm trung tâm du lịch tích hợp với các dịch vụ độc đáo (bán lẻ miễn thuế, du lịch y tế, casino, ăn uống, khách sạn, MICE), cụm kinh tế số của Việt Nam (CNTT, phần mềm). Đổi mới sáng tạo gồm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực ưu tiên (AI, bán dẫn), dịch vụ hỗ trợ (thanh toán, khởi nghiệp, tư vấn luật), giáo dục đào tạo nghề.

Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng.

Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng.

“Về cơ bản, các cơ chế chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng như các chính sách áp dụng đối với khu kinh tế và khu phi thuế quan, đặc biệt miễn thuế xuất nhập khẩu đối với các hàng hóa, dịch vụ được mua bán với nước ngoài”, ông Bình chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Nghị quyết 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của thành phố. Chính sách đặc thù này áp dụng cho Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đây là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung. Đề án đang được thành phố hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.