Đánh đổi di sản kiến trúc lấy phát triển?
Mới đây, dư luận, đặc biệt là người dân TP Đà Lạt và những người yêu thành phố cao nguyên này lại một phen ồn ào trước thông tin Đà Lạt đã thông qua dự án phá bỏ rạp Hòa Bình và di dời dinh tỉnh trưởng, thay vào đó là một khu phức hợp đầy hiện đại giữa trung tâm.
Khỏi phải nói, ý kiến này đã tạo ra một luồng tranh luận mạnh mẽ. Rạp Hòa Bình được xây vào những năm 1950, là rạp hát duy nhất trong số 4 rạp hát của Đà Lạt xưa còn sót lại. Rạp Hòa Bình có kiến trúc xưa, nằm ngay trung tâm thành phố, cạnh chợ Đà Lạt, gắn liền với bao đổi dời, thăng trầm lịch sử cũng như kí ức đời người.
Anh Ngô Văn Tuấn, một hướng dẫn viên du lịch người Đà Lạt chia sẻ, từ khi biết thông tin này anh và nhiều người bạn hướng dẫn viên lẫn du khách đều ngậm ngùi. Rạp Hòa Bình đã trở nên quá quen thuộc với người dân Đà Lạt và người yêu mến thành phố này.
“Một kiến trúc cổ nằm lọt thỏm giữa trung tâm thành phố cổ, chung quanh là những mái nhà xinh xinh, kế bên chợ Đà Lạt cũng mang phong cách cổ điển, tất cả tạo nên một vẻ trầm mặc, hoài cổ góp phần tạo nên nét đẹp của thành phố này. Tôi nghĩ điều lo lắng chung của chúng tôi là một công trình quá hiện đại thay thế vào đây sẽ phá vỡ cảnh quan, khiến Đà Lạt bị “mất màu”.
Với quy hoạch mới, thay thế khu rạp Hòa Bình và dinh tỉnh trưởng sẽ là một khu phức hợp, giải trí đa năng hiện đại và cao tầng, đồng thời các tuyến đường chung quanh sẽ được cải tạo, có khả năng sẽ có thêm một phố đi bộ. Nhiều người liên hệ dự án này với câu chuyện dỡ bỏ thương xá Tax cho dự án Metro và phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Đây cũng là câu chuyện “đánh đổi di sản kiến trúc” cho sự phát triển hạ tầng thành phố. Nhiều người dân cũng lo lắng rằng, ngoài chuyện phá vỡ cảnh quan chung của thành phố, công trình phức hợp mới này sẽ gây ra một số phức tạp trong giao thông đô thị.
Hiện khu vực chợ Hòa Bình là “điểm nóng” ách tắc giao thông của Đà Lạt. Câu chuyện kẹt xe ở đây diễn ra hàng ngày và mỗi buổi tối cuối tuần hoặc dịp lễ lại càng ách tắc dữ dội hơn. Nếu không có quy hoạch hợp lý, khu phức hợp sẽ biến khu vực trung tâm Đà Lạt nhỏ bé thành một “mớ bòng bong” không lối thoát.
Khó vẹn toàn
Tuy nhiên, có phải mọi kiến trúc “cổ” đều có giá trị cao, cần gìn giữ và không thể thay thế bởi các công trình hiện đại? Về vấn đề này, ngay bản thân người dân Đà Lạt lẫn những người quan tâm đến thành phố cũng chia ra hai luồng ý kiến khác nhau.
Phái “hoài cổ”, như đã nói ở trên mong muốn giữ lại kiến trúc rạp Hòa Bình cũng như e ngại công trình mới làm hỏng cảnh quan tổng thể. Một luồng ý kiến không nhỏ khác lại cho rằng, việc phát triển, thay thế một công trình kiến trúc cổ - cũ là tất yếu trong sự phát triển mạnh mẽ của Đà Lạt.
Cần phải nói, về công năng sử dụng, rạp Hòa Bình xuống cấp đã lâu, bên trong không gian tối, ẩm, vật dụng hư hại nhiều nên hầu như rất ít khi được sử dụng. Công năng sử dụng phổ biến nhất của rạp này là... cho thuê các kiot ở các mặt của rạp để tăng nguồn thu cho thành phố.
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ chuỗi khách sạn The Circle Việt Nam, đồng thời là một người dân Đà Lạt đưa ý kiến: “Tôi đồng ý Đà Lạt cần có không gian văn hóa cổ. Nhưng đồng thời cũng cần sự phát triển về hạ tầng, dịch vụ để phục vụ người dân.
Quan trọng là người ta làm thế nào, công trình thay thế có hài hòa với cảnh quan không, có mang đặc trưng kiến trúc vùng miền và mang lại nhiều lợi ích về đời sống, văn hóa, giải trí hay không. Nếu đáp ứng được những điều này, tôi nghĩ người dân sẽ đồng thuận”.
Được biết, trong quy hoạch, bên cạnh việc phá vỡ rạp Hòa Bình, dinh tỉnh trưởng sẽ được di dời nguyên khối, chợ Đà Lạt sẽ được giữ nguyên và tôn tạo, các khu vực chung quanh sẽ được quy hoạch, đồng thời công trình sẽ được xây dựng theo hướng hài hòa cảnh quan và ưu tiên mảng cây xanh.
Đặc biệt, kiến trúc sư trưởng công trình là kiến trúc sư người Pháp gốc Việt đã từng thiết kế nhiều công trình nổi tiếng ở Pháp. Điều này cũng khá làm “yên lòng” những người yêu Đà Lạt.
Như vậy, có thể thấy, theo kế hoạch hiện nay của thành phố, trước mắt Đà Lạt có thể hài hòa được việc bảo vệ một phần di sản kiến trúc đồng thời phát triển đô thị theo nhu cầu của đời sống. Hy vọng rằng, công trình hoàn tất đúng như những gì được đặt ra, cũng là một bài học về ứng xử với di sản trong bài toán phát triển đô thị.