Có nhiều thay đổi tích cực hơn
Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2023, theo Phó Thủ tướng, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cơ bản phù hợp, có nhiều thay đổi tích cực hơn. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH) đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (đã báo cáo đạt trên 5%), tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25% (đã báo cáo tăng khoảng 3,5%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân; đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191,5 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo. Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới…
Tuy nhiên, nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu. Thủ tục đầu tư kinh doanh còn rườm rà. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa chuyển biến rõ nét. Chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa nghiêm. An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…
Phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km đường cao tốc
Về triển khai kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng cho biết, những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. CPI bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quốc phòng, an ninh, đối ngoại… cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…
Thời gian tới, Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tiếp tục đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000 km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH trong thời gian còn lại của năm 2024 là rất nặng nề, song với tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, Phó Thủ tướng tin tưởng nhất định chúng ta sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội, phát triển KTXH nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra. (Ảnh: Phạm Thắng) |
Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Cụ thể, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động; thúc đẩy chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay. Có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là di dời đường điện cao thế, tình trạng thiếu hụt đất đắp, cát san nền. Triển khai hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực các cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia. Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và triển khai hiệu quả các Luật, Nghị quyết Quốc hội đã ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật đã đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt và hiệu quả việc cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách cho người có công và các chính sách giảm nghèo bền vững. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tháo gỡ vướng mắc để triển khai hiệu quả chính sách nhà ở xã hội; tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, dạy nghề. Bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế…