Dưới góc độ pháp luật về tư pháp hình sự, người nghèo và nhóm đối tượng yếu thế được bảo vệ dưới 2 góc độ: xử lý nghiêm hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng này; tạo các điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho các đối tượng này được tiếp cận các quyền khi tham gia tố tụng như những người bình thường khác.
Ngoài các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý nghiêm hành vi xâm phạm đối tượng yếu thế và người nghèo, đồng thời hướng dẫn việc áp dụng chính sách xử lý có tính hướng thiện khi các đối tượng này thực hiện hành vi vi phạm. Còn trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, một trong những nguyên tắc cơ bản là bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật. Cụ thể, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Do đó, khi tham gia quan hệ tố tụng hình sự thì người nghèo, những người yếu thế trong xã hội đều được bảo vệ quyền và lợi ích của mình như các đối tượng khác.
Ngoài các văn bản luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự thì Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng có những quy định cá biệt trên cơ sở xem xét đặc điểm riêng của nhóm đối tượng này để đảm bảo lợi ích của họ. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thuộc trường hợp giảm nhẹ hành chính. Đồng thời những hành vi vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai là những trường hợp tăng nặng trách nhiệm hành chính.
Theo quy định của Luật này thì trường hợp áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không áp dụng đối với phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Đối với người chưa đủ 18 tuổi vi phạm hành chính không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Đối với phụ nữ mang thai khi đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại, trong khi đó các đối tượng khác chỉ được tạm đình chỉ chấp hành quyết định. Luật cũng quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính cần có nơi tạm giữ riêng cho người chưa thành niên và phụ nữ.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định các hình thức xử phạt đối với người chưa thành niên bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Các biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. Đặc biệt, đây cũng là văn bản đầu tiên ghi nhận các biện pháp xử lý mang tính chuyển hướng đối với người chưa thành niên là nhắc nhở và quản lý tại gia đình.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền của một số đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi bị cấm đối với trẻ em như: vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; về cấm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi; vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; ngăn cản trẻ em tham gia các hoạt động xã hội…
Có thể thấy, vấn đề bảo vệ người nghèo và nhóm yếu thế ở nước ta trong thời gian qua đã được pháp luật tư pháp hình sự từng bước hoàn thiện và đạt những kết quả nhất định. Thời gian tới, cần tiếp tục phổ biến, quán triệt nội dung các quy định trên với người dân, đặc biệt là tới các đối tượng được thụ hưởng lợi ích từ các quy định này để tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của họ.