Theo Reuters, sóng thần cao tới 2m đã xuất hiện sau một loạt các trận động đất mạnh, trong đó có trận mạnh 7,5 độ Richter làm rung chuyển miền Trung Indonesia vào lúc 18h00 ngày 28/9 (giờ địa phương, 11h00 GMT cùng ngày).
Tâm chấn động đất nằm ở độ sâu 10km ở gần thị trấn Donggala. |
Trận động đất mạnh nhất có tâm chấn nằm ở độ sâu 10km ở gần thị trấn Donggala thuộc tỉnh Trung Sulawesi, cách thủ đô Jakarta 2.500 km về phía Đông Bắc. Đến sáng nay, các dư chấn sau động đất vẫn khiến cả khu vực trên đảo rung lắc.
Trong khi đó, công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được gấp rút tiến hành. Theo ông Sutopo Nugroho – người phát ngôn Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia – các thi thể nạn nhân đầu tiên đã được tìm thấy.
“Thi thể các nạn nhân được tìm thấy tại nhiều địa điểm, họ bị gạch đá đè lên hoặc bị sóng thần cuốn trôi. Chúng tôi vẫn đang thu thập thêm thông tin”, ông Nugroho cho hay.
AFP cho biết, giới chức Indonesia chưa cung cấp thông tin chính xác về số người thương vong do thảm họa nhưng người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Muhammad Syaugi cho biết các nhân viên cứu hộ địa phương đã tìm thấy nhiều người chết.
Cảnh đổ nát sau động đất |
“Có rất nhiều thi thể người chết nhưng chúng tôi chưa nắm được con số chính xác”, ông Syaugi thông tin.
Còn theo Bác sĩ Komang Sujendra – giám đốc bệnh viện chính ở địa phương, 30 thi thể các nạn nhân đã được đưa tới bệnh viện tại thành phố Palu. 12 người khác bị thương cũng đang được điều trị tại đây.
Tại các nơi khác, hàng chục người bị thương cũng đang được điều trị tại các điểm sơ cứu được lập tạm nên.
Sân bay chính ở Palau đã bị đóng cửa do sóng thần và dự kiến sẽ phải mất ít nhất 1 ngày mới có thể hoạt động trở lại cũng khiến các nỗ lực cứu hộ sau động đất trở nên khó khăn hơn.
Trận động đất và sóng thần đã khiến thành phố du lịch Palu, với 600.000 dân, cùng toàn bộ khu vực lân cận mất điện. Hệ thống thông tin liên lạc và giao thông bị tê liệt.
Sóng thần cao đến 2m đã làm nhiều ngôi nhà bị sập. |
Cơn sóng thần cao khoảng 2m đã phá hủy nhiều công trình xây dựng, nhà ở của người dân và cuốn nhiều tàu thuyền vào sâu trong thành phố, gây ra tình trạng hỗn loạn trên khắp thành phố.
Indonesia nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương trải rộng 40.000 km từ Nhật Bản, Indonesia đến California, Mỹ. Hầu hết động đất trên thế giới đều xảy ra trong khu vực lòng chảo này do hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa.
Chỉ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 vừa qua, Indonesia xảy ra liên tiếp 3 vụ động đất với tâm chấn đều nằm gần đảo Lombok khiến hơn 500 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.