Vào lúc 2 giờ 35 phút ngày 3/6/2021, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, đa chấn thương. Đó là anh N.S (46 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu).
Thông tin từ người nhà cho biết vào chiều tối 2/6, khi đang được con trai chở bằng xe máy từ chỗ làm về nhà, bệnh nhân đã va chạm với ô tô và bị chấn thương nặng. Sau khi được các y bác sĩ ở tuyến y tế địa phương sơ cứu, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán và tổ chức hội chẩn khẩn giữa các chuyên khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim, Ngoại tiêu hóa, Ngoại lồng ngực, Chấn thương chỉnh hình, Gây mê – Phẫu thuật tim... Đến 5 giờ cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ tại khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim để tiến hành phẫu thuật.
Theo BS CK2 Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân nhập cấp cứu trong tình trạng rất nặng, tổn thương đa cơ quan: một vết thương ở gối trái, khớp háng bị trật ra sau, hai xương cẳng tay trái bị gãy, 4 xương sườn trái cũng bị gãy. Và đặc biệt nguy hiểm là những tổn thương nội tạng ở bụng và lồng ngực.
Đối với tổn thương ở bụng, bệnh nhân được đội ngũ y tế tuyến trước chẩn đoán có dịch bất thường, xuất huyết ở trong ổ bụng, lượng ít. Và tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã tiến hành chụp lại X-quang bụng và xác định rằng lượng dịch trong bụng của bệnh nhân tăng lên so với trong kết quả X-quang của bệnh viện tuyến trước. Điều đó cho thấy bệnh nhân có chảy máu trong ổ bụng.
Về lồng ngực, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ do chấn thương, có tụ máu ở trung thất và có một ít dịch ở màng phổi trái.
BS CK2 Nguyễn Thị Thảo Trang, Phụ trách khoa Gây mê – Phẫu thuật tim cho biết, trước tình trạng một bệnh nhân bị đa chấn thương, tính mạng vừa bị đe dọa do những tổn thương gây chảy máu trong ổ bụng, vừa bị đe dọa do tổn thương ở động mạch chủ, vấn đề cấp cứu và phẫu thuật cho bệnh nhân cần phải có một chiến lược rõ ràng và một sự tính toán, phối hợp một cách nhịp nhàng và kỹ lưỡng.
“Cái khó là phải tính nên làm phẫu thuật nào trước, phẫu thuật nào sau. Nếu làm ở bụng trước, động mạch chủ ngực bị vỡ ra thì chúng ta cũng không giữ được bệnh nhân. Còn nếu phẫu thuật ở ngực trước, trong khi bụng đang chảy máu, bệnh nhân mất máu nhiều quá cũng không cứu được”, BS CK2 Nguyễn Thị Thảo Trang chia sẻ.
Trước tiên, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa tiến hành mở bụng, xác định chính xác tổn thương trong mạc treo và tiến hành cầm máu cho bệnh nhân và đóng tạm ổ bụng lại.
Ngay sau đó, ê-kip của khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim tiến hành cấp cứu tổn thương động mạch chủ. Nhờ những kỹ thuật cao và xâm lấn tối thiểu vốn đã được áp dụng thường quy tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã nhanh chóng đặt một stent graft động mạch chủ để che đi phần eo động mạch chủ bị vỡ, giữ lại mạng sống cho bệnh nhân.
Sau đó, ê-kip của khoa Ngoại tiêu hóa vào hoàn thành các công việc của mình, giải quyết triệt để những ổn thương ở bụng cho bệnh nhân. Khi những tổn thương có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân đã được giải quyết, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành nắn khớp háng, treo đinh kéo tạ xương đùi, cắt lọc vết thương gối, nẹp cẳng bàn tay để cố định, giảm đau cho bệnh nhân và chuyển sang hồi sức…
Đến hiện tại, các tổn thương ở bụng và tổn thương động mạch chủ của bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân cần thêm thời gian nghỉ ngơi để hồi phục những chấn thương về chỉnh hình, nên sẽ được chuyển về bệnh viện tuyến trước trong 1-2 ngày tới để tiếp tục điều trị.