Theo Reuters, bà Yingluck, 50 tuổi,đã không ra trình diện tại phiên tòa công bố phán quyết chống lại bà liên quan đến trách nhiệm giám sát thực thi chính sách trợ giá lúa gạo dẫn tới tham nhũng tràn lan, gây thiệt hại cho nhà nước hàng tỉ USD dự kiến diễn ra sáng 25/8. Nếu bị kết án, bà Yingluck có thể phải nhận bản án lên đến 10 năm tù giam và có thể bị cấm hoạt động chính trị cả đời.
Tuy nhiên, trong tuyên bố khai mạc phiên tòa, thẩm phán tại Tòa án tối cao Thái Lan cho biết các luật sư của bà Yingluck thông báo bà không thể dự phiên tòa vì gặp phải vấn đề về tai. Thẩm phán tại Tòa án tối cao Thái Lan cho hay tòa không tin vào lời giải thích này và đã ra lệnh bắt giữ bà Yingluck. Cùng với đó, phiên tòa công bố phán quyết cũng đã được hoãn đến ngày 27/9 tới.
Tuyên bố của thẩm phán Tòa án tối cao Thái Lan cũng đã dấy lên những nghi ngờ cho rằng bà Yingluck đã bỏ trốn ra nước ngoài. Theo AFP, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã yêu cầu tăng cường kiểm tra tại các chốt biên phòng trên cả nước. “Có khả năng bà ấy đã bỏ trốn”, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan thừa nhận. Ông Norrawit Lalaeng – luật sư của bà Yingluck – cũng nói rằng ông không biết liệu thân chủ của ông có còn ở Thái Lan hay không.
Còn Reuters cũng dẫn một nguồn tin thân cận với gia đình Shinawatra và cũng là thành viên của đảng Puea Thai khẳng định cựu Thủ tướng Thái Lan đã bỏ trốn ra nước ngoài. Song, nguồn tin này không tiết lộ bà Yingluck đang ở đâu. Còn theo nguồn tin của hãng AFP, bà Yingluck “có thể đang ở Singapore”.
Trước đó, anh trai của bà Yingluck – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – cũng đã rời khỏi Thái Lan vào năm 2008, trước khi ông này bị buộc tội tham nhũng và bị kết án 2 năm tù giam. Kể từ đó cho đến nay, ông này không về nước và được cho là đang sử dụng hộ chiếu Montenegro để đi lại giữa các nhà ở tại Dubai, London, Hong Kong và Singapore.
Phán quyết chống lại bà Yingluck được nhiều người cho là có thể kích động những căng thẳng tại Thái Lan. Trước đó, trong bình luận cuối cùng trên mạng xã hội, hôm 23/8, bà Yingluck trên trang facebook cá nhân đã thúc giục những người ủng hộ ở nhà và rằng bà sẽ không thể gặp những người ủng hộ tại tòa án vì an ninh sẽ được thắt chặt xung quanh tòa án. Bà Yingluck đã bị cấm ra nước ngoài khi phiên tòa bắt đầu vào năm 2015 và đã dự các phiên tòa trước đó.
Ông Thitinan Pongsudhirak – Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế và an ninh tại trường Đại học Chulalongkorn – cho rằng việc bà Yingluck bỏ trốn nếu xảy ra sẽ chỉ khiến những người ủng hộ bà thất vọng và khiến những người phản đối bà có thêm lý do để chỉ trích bà. Trước đó, bà Yingluck cũng đã bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm kể từ năm 2015 vì cáo buộc tham nhũng trong chương trình thu mua lúa gạo trợ giá.
Trong một vụ việc có liên quan, ngày 25/8, Tòa án tối cao Thái Lan cũng đã tuyên mức án 42 năm tù giam với cựu bộ trưởng thương mại dưới thời của bà Yingluck là ông Boonsong Teriyapirom vì tội danh làm sai lệch các thỏa thuận bán gạo giữa Thái Lan và Trung Quốc trong năm 2013.