Các bị cáo không phải bồi thường hơn 16,6 tỷ đồng
Có mặt tại tòa, đại diện Tổng Công ty Vinaconex cho biết đây là dự án lớn, lần đầu tiên họ đầu tư nên khó tránh khỏi những sai sót trong quá trình thi công, vận hành. Cũng theo lời người đại diện, trong vụ án này, không có yếu tố tham ô, tham nhũng, những bị cáo ở đây là người có kinh nghiệm làm việc trên 20 năm. Do đó, vị đại diện Tổng Công ty Vinaconex mong tòa xem xét thêm nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên sự số 18 lần vỡ ống.
Còn Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà cho biết họ không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường về thiệt hại khắc phục sự cố (23 ống bị vỡ chi phí khắc phục hơn 16,6 tỷ). Cũng theo lời vị này, các chi phí bảo trì, sửa chữa phê duyệt đều thấp hơn và hàng năm đều được kiểm toán độc lập, báo cáo.
“Quá trình tiếp nhận, quản lý khai thác tuyến ống chúng tôi đều tuân thủ theo quy trình vận hành, bảo trì được phê duyệt. Đến nay chưa bao giờ khai thác hết công suất”, đại diện Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà nói.
Là một trong số 7 người chưa đủ căn cứ để phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, trong phiên tòa sáng nay, ông Nguyễn Văn Tuân (nguyên Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc) cũng có mặt với tư cách người liên quan. Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Tuân cho biết giai đoạn đầu tư dự án có ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) là Giám đốc, ông Vũ Đình Chầm là ủy viên, HĐQT làm việc theo chế độ tập thể và tuân theo điều lệ. Khi làm việc biểu quyết trên cơ sở đồng thuận của 5 thành viên HĐQT. Quy trình đồng ý đều thể hiện dựa trên biểu quyết của cả 5 thành viên trong HĐQT. Theo ông Tuân, HĐQT thành lập ban quản lý Dự án để thay mặt Tổng Công ty Vinaconex để thực hiện các nhiệm vụ HĐQT quy định trong thực hiện các dự án.
“Xin HĐXX xem xét toàn diện để đối với những người thực hiện dự án. Cũng do lần đầu tiên áp dụng công nghệ mới nên mong HĐXX chia sẻ về những vất vả, khó khăn. Tôi khẳng định quá trình thực hiện dự án đều đúng quy trình với mong muốn dự án thành công”, ông Tuân nói.
Do ông Phí Thái Bình bệnh, có đơn xin vắng mặt, HĐXX đã công bố lời khai của ông Bình. Theo lời khai của ông Bình, dự án cấp nước Sông Đà xuất phát từ tâm huyết khắc phục tình trạng thiếu nước của nhân dân Thủ đô. Giai đoạn 1 của dự án đã cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân Thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng. Vỡ đường ống nước sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex. Đối với việc lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị, ông Bình giải trình, nhà máy có đủ năng lực sản xuất ra ống phục vụ dự án...
Luật sư “xoay” giám định viên
Giám định viên tại tòa |
Cũng trong phần xét hỏi, HĐXX dành thời gian cho các luật sư đặt câu hỏi với giám định viên. Trước đó, theo lời giám định viên, nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà là do Nhà thầu chưa kiểm tra chất lượng ống, chưa thử nghiệm độ bền dài hạn…. Kết luận này được dựa trên hồ sơ cơ quan điều tra cung cấp và kết quả kiểm tra hiện trường tại vị trí những hố bị vỡ. Trong qua trình thi công xây dựng, nhà thầu chưa kiểm tra chất lượng ống… kết luận này dựa trên hồ sơ công an cung cấp.
“Đầu tiên tham gia giám định hồ sơ, sau đó lựa chọn vị trí đào thăm để khảo sát và đánh giá hiện trường. Việc đào này trong khi nước vẫn đang được cung cấp và tùy từng vị trí để kiểm tra chất lượng cùng với số liệu lấy được từ ống dự phòng, ống đã vỡ… đưa ra kết luận ống vỡ do nguyên nhân chính là ống được thi công không đồng đều và có nhiều khuyết tật không đảm bảo chất lượng”, giám định viên nói.
Khi bị hỏi: “Người giám định có thực hiện phương pháp thí nghiệm kiểm định không?”, một giám định viên trả lời: “Chúng tôi kết hợp từ nhiều biện pháp trong đó có kiểm tra đối chiếu hồ sơ, có động tác khảo sát…”. Cũng theo lời người này, họ thực hiện các thí nghiệm cụ thể nhiều, điều này đã thể hiện trong hồ sơ. “Chúng tôi khẳng định chúng tôi có tổ chức lấy mẫu đem đi thí nghiệm, kết quả cụ thể đã thể hiện trong hồ sơ”, giám định viên khẳng định.
Một giám định viên khác khi trả lời một số câu hỏi của luật sư Lê Hồng Hà khẳng định giám định tư pháp thì có nguyên tắc phải thực hiện một cách trung thực chính xác, khách quan vô tư, chỉ thực hiện giám định đối với nội dung trưng cầu.
“Ông chỉ rõ phần nào nhà thầu chưa kiểm soát chặt chẽ”, luật sư Hà nêu câu hỏi. Giám định viên nói: “Để ra được kết luận giám định này đơn vị giám định thực hiện kiểm tra toàn bộ hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp, hồ sơ đơn vị cung cấp ống… cùng với quá trình đào hố thăm kiểm tra, chúng tôi đã đưa ra kết luận này. Kết quả của chúng tôi đã được nêu trong các báo cáo rồi”, giám định viên nói.
“Với ống đang để ở sân, kho bãi của nhà máy nhiều năm, mang ống đó đi kiểm nghiệm thì ống đó có đảm bảo khách quan không?”, giám định viên đáp: “Việc lấy mẫu ống lưu, chúng tôi lấy 3 ống lưu trong số 17 ống ở ngoài điều kiện tự nhiên… Chúng tôi đưa ra kết luận ngoài đánh giá chất lượng theo yêu cầu còn dựa trên nhiều hồ sơ khác. Báo cáo trung thực, hoàn toàn tin cậy”, giám định viên trả lời.
Cùng tham gia hỏi 1 trong 2 giám định viên có mặt ở tòa, luật sư Nguyễn Đình Hưng đặt câu hỏi: “Như vậy chúng tôi hiểu mới giám định 10/18 sự cố có được không?”. “Ở đây chúng tôi chỉ giám định nội dung được trưng cầu. Chúng tôi dựa trên các phương pháp giám định của chúng tôi, nguyên nhân vỡ ống, chất lượng độ bền đến đâu, tôi chỉ trình bày tới tài liệu mà chúng tôi được cung cấp, cái này luật sư hỏi cơ quan điều tra”.
Sau đó, HĐXX mời các luật sư tham gia hỏi các bị cáo khác.
Hôm nay (7/3), HĐXX tiếp tục làm việc.