Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 2017- 2022), phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam về các hoạt động của cựu chiến binh Việt Nam thời gian qua.
Thưa Trung tướng, 5 năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì?
- Được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ, Ủy ban nhân dân, các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Hội, cùng với sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, hội viên cả nước, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc; tổ chức Hội được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng; hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả; tuyệt đại đa số cựu chiến binh giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân và góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; hoạt động tình nghĩa, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm và các tệ nạn xã hội; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cựu chiến binh; vận động, tập hợp, phát huy vai trò tích cực của cựu quân nhân ở cơ sở; công tác đối ngoại nhân dân đạt kết quả tốt; nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội ngày càng được đổi mới...
Trung tướng có thể nói cụ thể về kết quả của Hội Cựu chiến binh Việt Nam khi tham gia tích cực, có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào của đất nước, địa phương?
- Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh Việt Nam với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, bộ ngành được triển khai thiết thực, hiệu quả. Cuộc vận động “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông” và xây dựng văn hóa giao thông đã được các cấp Hội triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Toàn Hội có hàng nghìn mô hình hay, điển hình tốt trong thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội.
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Hội Cựu chiến binh các tỉnh, huyện đã phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ và với địa phương tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội chợ để quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng hoá đến vùng nông thôn, miền núi phục vụ người dân; tích cực tham gia phong trào bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 11.145 lớp tập huấn về công tác giảm nghèo, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, bồi dưỡng kinh nghiệm, kiến thức làm kinh tế, nghiệp vụ vay vốn, quản lý và sử dụng vốn cho trên 600.000 cựu chiến binh.
Hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, cựu chiến binh cả nước đã hiến gần 12 triệu m2 đất, đóng góp hơn 719 tỷ đồng và 3,52 triệu ngày công để làm mới, sửa chữa, nâng cấp 18.558km đường giao thông nông thôn; tham gia sửa chữa, xây dựng 25.970km kênh mương nội đồng, 3.621 cầu, cống và trồng hàng triệu cây xanh các loại; khoanh nuôi, bảo vệ hàng vạn ha rừng.
Toàn Hội đã quyên góp, ủng hộ 281 tỷ 290 triệu đồng cho các loại quỹ hoạt động tình nghĩa (Quỹ phòng, chống thiên tai bão lụt; Quỹ vì người nghèo, chất độc da cam -dioxin, khuyến học…); phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Hội Cựu chiến binh Việt Nam tuyên truyền, vận động, sử dụng các quỹ từ thiện - xã hội có hiệu quả.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội được phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương đạt hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, làm sâu sắc hơn nghĩa tình đồng đội, tăng thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các hội viên và giữa hội viên với tổ chức Hội…
Bên cạnh thành công trên, vẫn còn một số hạn chế, một số tỉnh, thành Hội chưa nhân rộng được nhiều điển hình trong phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Số hộ nghèo một số địa phương giảm chậm, hộ khá và giàu chưa nhiều; đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tướng có thể cho biết nguyên nhân?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế như trong công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn thiếu quyết liệt; chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thiếu các giải pháp, biện pháp trọng tâm, trọng điểm, chưa có tính đột phá. Năng lực, trách nhiệm của cán bộ Hội một số nơi, nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chưa tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động của Hội.
Số lượng hội viên là cựu chiến binh đã qua chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giảm, nhất là ở một số địa phương miền núi, các bộ, ngành Trung ương; việc tổ chức Hội và các hoạt động của Hội, tập hợp hội viên, cựu quân nhân có nhiều khó khăn; có nơi không đủ điều kiện thành lập tổ chức cơ sở Hội. Mặt khác, cơ chế, chính sách có mặt chưa đồng bộ; tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của các cấp Hội nhiều nơi còn khó khăn.
Trân trọng cảm ơn Trung tướng!