Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Huy từng là một trong những người lính trong lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chế độ diệt chủng. Theo lời kể của ông Huy, những người lính thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trong giai đoạn đất nước bị cấm vận nên vô cùng gian khổ; mỗi chiến sĩ có khi chỉ có một bộ quân phục, một cây súng. Đói, rét, khổ sở nhưng tình đồng chí đồng đội lại vô cùng ấm áp, chia sẻ cho nhau từng mẩu thuốc lá, miếng cơm…
Có những người đồng đội, theo lời ông kể, là những sinh viên chỉ vừa mới tốt nghiệp đại học, nhưng có lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ với cách mạng, đã xông pha ra chiến trường, bảo vệ Tổ quốc, bất chấp khói lửa bom đạn. Bản thân ông khi ấy cũng bị thương nặng ở tay và đầu, trở thành thương binh loại 4/4. Sau khi bị thương, ông lựa chọn trở về Quảng Bình, tiếp tục học tập, ôn thi.
Hiện nay, với cương vị trọng trách mới tại Bộ Tư pháp, người lính Nguyễn Quốc Huy tiếp tục thể hiện bản lĩnh chính trị của người lính Cụ Hồ, tích cực học hỏi, luôn đổi mới sáng tạo trong lao động.Với vai trò, nhiệm vụ của Phó Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ Tư pháp, ông Huy đã xác định cho mình một hướng đi rõ ràng. Đó là dù có khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải phấn đấu trở thành người chiến sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng vững vàng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đơn vị giao cho. Đặc biệt là thực thi các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành; tham mưu cho lãnh đạo Vụ, lãnh đạo Bộ tìm kiếm những con người đủ đức, đủ tài để nắm giữ cương vị mới, trọng trách mới.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Bộ Tư pháp, ông Huy luôn tâm niệm CCB phải làm gương cho các thế hệ sau, nên đã động viên Hội viên tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Bộ và Trung ương Hội CCB Việt Nam phát động như quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”, “chống biến đổi khí hậu”, “quỹ chất độc màu da cam”… Đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Bên cạnh đó, ông cũng phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các đoàn thể của Bộ Tư pháp tích cực tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cho thế hệ trẻ thông qua việc tổ chức các chuyến công tác về nguồn; tặng sách pháp luật cho các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh ở các trung tâm thương binh để nâng cao hiểu biết về pháp luật; tổ chức các buổi tọa đàm ôn lại truyền thống anh hùng của quân dân ta.
Ngoài ra, ông cũng tích cực phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến luật cho các CCB về các vấn đề liên quan đến Pháp lệnh Cựu chiến binh; Luật Giao thông đường bộ; Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp...
Chiến tranh đã lùi về sau, nhưng với những người lính như ông Huy, những kỷ niệm, những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội dường như mới chỉ là chuyện xảy ra ngày hôm qua. Xúc động kể lại những kỷ niệm cũ, ông Huy chia sẻ, hơn ai hết những người trong cuộc hiểu một cách sâu sắc cái giá phải trả để đổi lấy độc lập tự do và mãi mãi không quên.
Nhân ngày Tết Độc lập dân tộc, ông Huy bày tỏ niềm mong mỏi, gửi gắm vào các thế hệ trẻ, những người đang sống và hưởng độc lập, tự do cần thấy rõ trách nhiệm của mình, phải chung tay góp sức để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào, đồng chí. Điều tâm huyết bậc nhất của ông muốn gửi tới các thế hệ con cháu là cần giữ gìn lòng nhiệt huyết, phát huy truyền thống lịch sử của ông cha, góp phần xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đặc biệt, những thế hệ trẻ của Bộ Tư pháp càng phải cố gắng hết sức, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, cống hiến hết mình để Bộ Tư pháp, đất nước ngày càng phát triển, trường tồn.