Riêng tại Hà Nội, khoảng 17.000 cây gãy đổ trên địa bàn TP, trong đó khoảng 2.000 cây xanh đô thị. Ngay khi bão vừa tan, chiều 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây đổ, cành gãy sau cơn bão số 3.
Theo đó, lãnh đạo Hà Nội giao Sở Xây dựng, UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND cấp xã phối hợp cùng các đơn vị quản lý cây xanh tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy, bảo đảm an toàn giao thông.
Đặc biệt lưu ý, với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay bảo đảm cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp. Với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ cần thực hiện cắt cành, tán, bảo đảm cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định.
Lãnh đạo TP yêu cầu UBND cấp huyện phối hợp Sở Xây dựng thống nhất vị trí đào vỉa hè trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè do các UBND cấp huyện quản lý để bảo đảm chất lượng kỹ thuật. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục, bảo đảm chủng loại, kích thước phù hợp, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng trồng và chăm sóc hợp lý.
Một vài ý kiến thắc mắc là ngay sau cơn bão tan, có rất nhiều việc phải làm, vì sao Hà Nội lại ra một văn bản hỏa tốc, trong đó có nội dung cứu cây xanh? Một số ý kiến còn “đổ lỗi” cho cây xanh đã bị đổ ngã gây thiệt hại về người, đè hư hỏng tài sản như nhà cửa, xe hơi…
Tuy nhiên, những ý kiến này đã nhanh chóng bị phần lớn dư luận và giới khoa học phản bác. Đơn giản nhất, chỉ cần đặt vấn đề, nếu chúng ta đã có nhiều cây xanh hơn nữa, thì khi cơn bão đổ bộ vào đất liền, sự ma sát chà xát giữa mặt đất và cơn cuồng phong mạnh hơn, thì cơn bão có thể đã hạ cấp nhiều hơn, số cây xanh bị ngã đổ đã ít hơn, thiệt hại về người và của đã nhẹ nhàng hơn, ít xảy ra những vụ sạt lở đất hơn. Khi đó, hoàn lưu của bão không còn quá mạnh, sẽ mưa lũ ít hơn, sức cuốn của dòng chảy trên sông Hồng cũng không còn xiết tới mức có thể làm sập cả trụ cầu Phong Châu tại tỉnh Phú Thọ. Khi đó, cũng có thể ít có khả năng xảy ra sự cố cả một quả đồi trôi xuống cuốn đi chiếc xe chở khách tại miền núi Cao Bằng…
Nói cách khác, trong tự nhiên, ngàn đời từ xưa tới nay, thuận thiên luôn là quy luật không thể thay đổi, không thể đảo ngược. Tất nhiên không phải điều gì cũng có thể đổ lỗi cho thiên nhiên, nhưng chắc chắn là nếu chúng ta biết thuận thiên, thì sẽ giảm tối đa được những rắc rối từ thiên nhiên mang lại. Cứu cây, nhanh chóng trồng lại, trồng thêm, trồng chắc chắn nhiều cây hơn nữa; cũng chính là cứu con người.