Lý do nguyên CVP Thành ủy Đà Nẵng bị bắt?
Những ngày vừa qua, việc Bộ Công an vừa bắt và khởi tố thêm 4 cán bộ, cựu cán bộ Đà Nẵng, trong đó đáng chú ý có Chánh văn phòng Thành ủy, một lần nữa làm dậy sóng dư luận. Tuy “nóng” mọi diễn đàn, song nhiều người vẫn cho rằng việc bắt ông Bằng cũng không mấy bất ngờ. Vậy, cụ thể quá trình làm việc của ông Bằng có tác động gì để vướng vòng lao lý?
Theo hồ sơ Sở Nội vụ, ông Đào Tấn Bằng (SN 43 tuổi, quê quán ở xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn - Bình Định) làm cán bộ thuộc Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng. Ông từng giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý đô thị (thuộc VP UBND thành phố) sau đó làm Phó CVP UBND trước khi được điều động giữ chức Bí thư quận ủy Ngũ Hành Sơn vào năm 2014.
Trong giai đoạn từ tháng 10/2015 đến thời điểm Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) bị bắt, Đà Nẵng ghi nhận hàng loạt sự xáo trộn về nhân sự cấp cao gây xôn xao dư luận. Cụ thể như ông Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (xin nghỉ hưu trước tuổi), ông Lê Quang Nam, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, từ Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP; ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch thành phố bị điều sang Ban tuyên giáo thành ủy, nay về lại chức vụ cũ…
Đặc biệt, một trong những cán bộ được luân chuyển gây chú ý cho đến nay là ông Đào Tấn Bằng. Tháng 3/2016, ông Bằng thôi chức Bí thư quận Ngũ Hành Sơn, về làm CVP Thành ủy Đà Nẵng thay cho ông Võ Ngọc Đồng sang làm Giám đốc Sở Nội vụ.
Nguồn tin từ CQĐT cho biết, ông Bằng từ khi làm Phó trưởng phòng Quản lý đô thị và tiếp vị trí Phó CVP UBND TP Đà Nẵng dưới các thời kỳ lãnh đạo của 2 cựu Chủ tịch UBND thành phố là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến (bị CQĐT Bộ Công an bắt cũng liên quan đến Vũ “nhôm”), đã nhiều lần tham mưu cho lãnh đạo trong các vụ việc liên quan đến đất đai mà không qua tham khảo, không hỏi ý kiến của các Sở ngành chuyên môn.
Trong đó, nổi bật có các dự án SVĐ Chi Lăng, hiện đang là tang vật vụ án Phạm Công Danh (báo PLVN có phản ánh). Ở vụ việc này, một trong những vi phạm nghiêm trọng được cơ quan chức năng xác định chính là tách Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại SVĐ Chi Lăng thành 10 Giấy chứng nhận để cấp cho 10 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.
Quá trình tách Giấy chứng nhận nêu trên được xác định, ngày 24/1/2011, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có Tờ trình số 15/TTr-VP đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 10 Công ty thành viên và miễn lệ phí trước bạ trong việc cấp sổ đỏ. Văn bản được chuyển đến Văn phòng UBND thành phố vào ngày 27/1/2011.
Ngay cùng ngày 27/1/2011, ông Đào Tấn Bằng cùng các cán bộ của Phòng Quản lý Đô thị (thuộc Văn phòng UBND thành phố), trong đó có Trưởng phòng Phan Xuân Ít, chuyên viên Nguyễn Viết Vĩnh (cũng vừa bị khởi tố cùng đợt với ông Bằng ngày 18/9) đã lập Phiếu trình “Gấp” và dự thảo văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Việc tham mưu này hoàn toàn không có sự tham gia của các Sở, ngành chức năng. Điều đáng nói, dự thảo Văn bản trên cũng đã được trình lãnh đạo UBND thành phố và được duyệt ký ban hành ngay trong ngày 27/1/2011 (Văn bản số 542/UBND-QLĐTh).
Theo kết luận của cơ quan chức năng, hành vi trên của ông Bằng và các cá nhân khác của Phòng Quản lý Đô thị là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thuế, phí. Nghiêm trọng hơn, sự việc trên mặc dù đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố yêu cầu công ty phải nộp lệ phí trước bạ theo đúng quy định nhưng vẫn được cá nhân ông Bằng tham mưu cho miễn, đã gây thất thoát ngân sách hàng tỷ đồng, bỏ qua các nguyên tắc, quy định trong công tác tham mưu, trực tiếp báo cáo lãnh đạo thành phố ký văn bản không có ý kiến tham mưu của các Sở, ngành chuyên môn. Làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng, dẫn đến việc 10 Công ty trên sử dụng các Giấy chứng nhận được cấp đã vay hàng nghìn tỷ đồng trong vụ án Phạm Công Danh đã nêu ở trên.
Đáng chú ý, cũng với việc ký và tham mưu nhưng thông qua của các Sở liên quan, ông Bằng còn dính nhiều đến một số dự án ở Sơn Trà đang được thanh tra; các dự án, nhà đất công sản liên quan đến Vũ “nhôm”.
Theo thông tin PLVN có được, trong hàng loạt dự án mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận có sai phạm, dẫn đến thất thu ngân sách số tiền 3.400 tỷ đồng tại Kết luận Thanh tra số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 mà hiện nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm hậu quả, trong đó có cả việc kiểm điểm người đứng đầu của UBND và một số Sở, ngành qua các thời kỳ có vai trò trực tiếp và tham mưu chính của ông Đào Tấn Bằng trong cương vị Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị rồi Phó CVP UBND thành phố.
Ngoài ông Bằng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Viết Vĩnh (40 tuổi, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND TP.Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, hiện trú tại P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Văn Cán (64 tuổi, nguyên Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, hiện trú tại P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) và ông Phan Xuân Ít (64 tuổi, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, hiện trú tại P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Các ông này đều bị khởi tố với cùng tội danh “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Ông Nguyễn Hữu Tín giao đất công cho công ty Vũ “nhôm”
Nguyên Phó chủ tịch TP HCM Nguyễn Hữu Tín |
Cùng thời điểm, hàng loạt cán bộ ở TP HCM cũng bị khởi tố do liên quan đến Vũ “nhôm”. Trong đó có cựu Phó chủ tịch TP HCM Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi). Tài liệu CQĐT thể hiện ở thời điểm là Phó chủ tịch phụ trách đô thị của TP HCM, ông Tín được cho là ký quyết định giao 2 khu đất công cho công ty của Vũ “nhôm”. Ông Tín được cho đã ký quyết định giao 2 khu đất có vị trí đắc địa cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ Nhôm làm giám đốc).
Cụ thể, tháng 6/2015, TP HCM chấp thuận cho công ty này thuê khu đất hơn 2.300 m2 tại số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1. Trong đó có nội dung yêu cầu công ty không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nửa năm sau, thành phố có văn bản công nhận Công ty Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ tại địa chỉ trên và hướng dẫn công ty liên hệ các sở ngành để thực hiện thủ tục triển khai dự án. Đến tháng 5/2016, UBND TP HCM cho phép chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 18 tầng để làm thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng, căn hộ... Sau đó, UBND thành phố quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 chuyển mục đích sử dụng đất tại địa chỉ trên, hoàn thành quá trình giao đất cho công ty này.
Công ty Bắc Nam 79 sau đó có văn bản xin được phê duyệt quy hoạch công trình phức hợp 20 tầng trên khu đất này, mật độ xây dựng 40%, tổng diện tích xây dựng dự kiến là hơn 13.000 m2 nhưng không được chấp thuận. Hiện, công ty này đã cải tạo khu nhà cũ để làm văn phòng 3 tầng với tổng diện tích gần 500 m2, phần còn lại được rào kín, chưa xây dựng. Ngoài ra, khu đất 129 Pasteur (phường 6, quận 3) cũng được bán chỉ định cho Công ty Bắc Nam 79 theo đề nghị của UBND TP HCM bằng công văn 571 ngày 14/8/2015.
Động thái trên của TP HCM là không đúng theo quy định số 09 năm 2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Bởi cơ quan có thẩm quyền (TP HCM) chỉ được bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định với những trường hợp: Có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng cho mục đích xã hội hoá thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao.
Trong khi đó, khu đất 15 Thi Sách được làm dự án thương mại, ông Nguyễn Hữu Tín ký quyết định cho công ty của Vũ Nhôm thuê căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 và dựa trên đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt mà không thông qua đấu giá như quy định.
Ngoài ông Tín, 3 người khác bị khởi tố là ông Đào Anh Kiệt (61 tuổi, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường); Lê Văn Thanh (56 tuổi, Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM); Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM).