Đòi tiền chuộc, giả danh người nổi tiếng lừa đảo
Vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, hàng loạt “sao” Việt như Hoa hậu Thu Thảo, Quế Vân, Khả Như, Anh Tú, Hạ Vi… đã lên tiếng cho biết mình vừa bị kẻ gian thâm nhập và kiểm soát trang cá nhân trên mạng xã hội facebook. Các “sao” này đã phải lần lượt lập ra trang cá nhân mới để thông báo tình hình và cảnh báo bạn bè, người hâm mộ tránh bị lừa bởi những hacker và tăng cường bảo mật cho trang mạng cá nhân.
Trước đó, người mẫu Lan Khuê phải chấp nhận không sử dụng tiếp trang mạng cá nhân đã gắn bó bao năm qua với gần 900 ngàn người theo dõi vì trang của cô bị xâm nhập và hacker đưa ra những điều kiện quá vô lý, xúc phạm đến cá nhân Lan Khuê. Đồng thời, trong thời gian chiếm giữ quyền đăng nhập trang cá nhân của Lan Khuê, hacker này cũng thường xuyên đăng tải các thông tin nhằm bêu xấu, chọc tức nữ người mẫu.
Xóa bỏ trang facebook của chính mình, Lan Khuê đồng thời cũng đưa ra thông điệp “không thỏa hiệp” với những “kẻ cướp” trên mạng xã hội. Trường hợp Khả Như, hacker đòi 25 triệu đồng để chuộc lại trang facebook cá nhân, chuyển khoản vào một tài khoản ở Thanh Hóa, còn Nam Thư, số tiền này là hơn 5 triệu đồng, được quy đổi bằng thẻ cào điện thoại.
Một cặp vợ chồng vblogger nổi tiếng khác thời gian qua cũng đã “điêu đứng” vì bị kẻ xấu xâm nhập, tước quyền sử dụng tài khoản trên mạng xã hội Intagram. Số tiền chuộc mà kẻ gian đưa ra là 50 triệu đồng cho việc chuộc lại tài khoản. Số tiền này căn cứ vào thu nhập mà hai vợ chồng hot vblogger có được nhờ những thông tin, hình ảnh quảng cáo thường xuyên trên mạng xã hội. Vì không chịu thỏa hiệp, cuối cùng họ đành chấp nhận mất luôn tài khoản với hàng triệu người theo dõi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể “cứng” với những hacker như thế. Một số người nổi tiếng, để giữ trang cá nhân của mình và tránh phiền phức đã phải chấp nhận thỏa hiệp, thỏa mãn yêu cầu của những kẻ “cướp nick”. Một nữ ca sĩ cho biết, trang cá nhân của cô có hơn 1 triệu lượt theo dõi, là nơi cô giao lưu với người hâm mộ, gắn bó từ lúc cô mới bắt đầu gây dựng sự nghiệp, nếu mất đi sẽ là một chuyện đáng tiếc và không dễ để tạo dựng lại như ban đầu, nên đành chấp nhận số tiền 10 triệu đồng mà haker đưa ra để lấy lại trang của mình. Tuy nhiên, nữ ca sĩ cũng rất lo lắng hành động của cô sẽ “mở đường” cho nhiều hacker khác tiếp tục xâm nhập trang cá nhân của mình và đòi tiền chuộc.
Ngoài tống tiền, đòi tiền chuộc, những kẻ xâm nhập cũng giả danh những người nổi tiếng bị hack facebook để mượn tiền, lừa đảo người thân, người hâm mộ, mà Hồ Quỳnh Hương, Lệ Quyên… đều từng là những nạn nhân bị mất facebook. Trường hợp của Hạ Vi, kẻ xâm nhập tài khoản còn rao bán quảng cáo trên trang cá nhân của nữ diễn viên với… mọi mức giá. Để bảo vệ hình ảnh, Hạ Vi đành kêu gọi fan hâm mộ cùng báo cáo nhằm xóa bỏ trang cá nhân của mình.
Ai bảo vệ quyền “chính chủ”?
Sau khi bị cướp mất tài khoản trang cá nhân, nhiều người nổi tiếng đã ngỏ ý muốn “làm việc lại” với facebook và những nhà cung cấp dịch vụ “chính chủ”. Hầu hết những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng đều đã có đăng kí dấu “chính chủ” tick xanh cho facebook cá nhân của mình.
Để có được dấu tick “danh giá” này, người dùng đã phải chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình với cộng đồng và thông qua hồ sơ đăng kí, xét duyệt với facebook. Vì quá trình này khá phức tạp và tốn nhiều thời gian, đa phần người nổi tiếng đều thông qua các nhà cung cấp dịch vụ “chính chủ” này, trả tiền cho dịch vụ từ vài chục đến hàng trăm triệu để sở hữu tick xanh.
Vì không nghiên cứu kĩ hợp đồng, nhiều người cho rằng việc có được dấu chính chủ tức trang facebook cá nhân đã là độc quyền sở hữu của mình, bảo mật cao và tránh được các xâm nhập trái phép. Tuy nhiên, thực ra dấu tick xanh ấy chỉ có nhiệm vụ chứng minh hai điều, đó là facebook “chính chủ” và có sức ảnh hưởng cộng đồng. Cho nên, dù cho số tiền họ bỏ ra cho facebook hay các nhà cung cấp dịch vụ có lớn đi nữa thì cũng không thể khiếu nại khi bị cướp mất tài khoản.
Cạnh đó, việc bảo mật tài khoản trên facebook vốn là một vấn đề còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ đoạn của các hacker ngày càng phức tạp. Trong khi đó, quyền lợi của người sử dụng mạng xã hội vẫn còn là một cái gì đó khá bấp bênh, nhà phát triển trang mạng chưa đủ khả năng bảo vệ người dùng chống lại những xâm nhập trái phép như thế. Về phần cơ quan quản lý, cũng khó xử lý các vấn đề trên khi mà trên mạng xã hội còn quá nhiều vấn đề rắc rối chưa kiểm soát hết, các hacker chủ yếu đặt máy chủ ở nước ngoài, và đa số các trường hợp nạn nhân bị xâm phạm trên mạng xã hồi đều chọn cách im lặng tự giải quyết.
Thế nên, với mạng xã hội, dù là “sao” hay người dùng thông thường cũng chỉ biết tự nâng cao cảnh giác và bảo mật để bảo vệ dữ liệu và tài khoản trang cá nhân của chính mình./.