Liên hoan điện ảnh Cannes lần thứ 63 đã công bố kết quả, đem lại hạnh phúc và Cành Cọ vàng cho đạo diễn Thái Lan Apichatpong Virasetakul cũng như nỗi thất vọng đối với tất cả nhưng ai hâm mộ tác phẩm duy nhất của Nga dự thi năm nay, phim của Nikita Mikhalkov.
Tại sao “Chú Boonmee, người không nhớ các tiền kiếp” được chọn làm phim xuất sắc nhất trong số 19 phim dự thi? Trả lời cho thắc mắc này là sự thừa nhận của đạo diễn Mỹ Tim Berton, người lãnh đạo ban giám khảo Cannes: “Tôi chưa bao giờ tiếp xúc với kiểu phim viễn tưởng như vậy”. Theo đó, có thể giả thiết rằng phim dự thi của nhà đạo diễn Nga Nikita Mikhalkov quá gần gũi với óc tưởng tượng sáng tạo của nghệ nhân Berton, bởi thế không được ông chú ý tới. Sự thật tất nhiên không phải vậy. Người ta vốn biết về sự đam mê viễn tưởng kỳ quặc của ông Berton, trong khi ấy đạo diễn Mikhalkov trình bày một tác phẩm điện ảnh về Đại chiến thứ II rất hiện thực và chân thực, một chương của Thế chiến ít được người xem nước ngoài biết tới. Trong đó là những trận đánh diễn ra trên lãnh thổ Liên xô cũ, vốn chịu sức ép nặng nề của sự đàn áp thời Stalin. Tác phẩm mới của Nikita Mikhalkov có tên gọi “Mệt mỏi dưới Mặt trời – 2: Dự cảm”.
Ngay trước khi đem chiếu tại Cannes, đạo diễn Nga cũng không hề quá hi vọng vào sự cảm nhận hoàn toàn từ phía người xem: “Bộ phim đòi hỏi sự lao động của khán giả” – ông Mikhalkov nói. — “Phim muốn người xem nhập vào nội dung, xác định đâu là sự thật đâu là dối trá trong nội tâm các nhân vật. Phân biệt giữa công bằng và bất công, thế nào là sự sỉ nhục”.
Nhà phê bình điện ảnh Nga Kirill Razlogov có mặt tại Festival đã kể với đài "Tiếng Nói nước Nga" về sự đón tiếp của Cannes đối với phim Mikhalkov: “Tại buổi chiếu chính thức, phim đã được tiếp nhận một cách hân hoan, với những tràng vỗ tay kéo dài trong phòng chiếu sau khi kết thúc. Buổi xem của báo giới có vẻ yên lắng hơn. Phản ứng về phim thì khá mâu thuẫn: từ thái độ dứt khoát không tiếp nhận đến quả quyết ngợi ca, cũng như quan điểm cho rằng đây là tác phẩm điện ảnh rất cổ điển, không đem lại một khía cạnh nào mới mẻ và vì thế cùng với phim của các đạo diễn tầm cỡ như Bertrand Tavernier, đã không lọt vào danh sách trúng giải. Nhưng giới hâm mộ điện ảnh nói về phim Mikhalkov như một quyết định độc đáo, nói rằng đây không chỉ là phim về chiến tranh mà còn nói tới tình cảm gắn bó ruột thịt giữa người cha và cô con gái. Người ta nói rằng, đây là “nửa” chứ không phải một bộ phim hoàn chỉnh với nghĩa làm người xem phân vân, băn khoăn về những gì sẽ đến với các nhân vật. Trước Liên hoan, tôi có quan điểm là nên để “Mệt mỏi dưới Mặt trời – 2” dự chiếu ngoài vòng thi. Có nghĩa giống như các phim của Oliver Stone và Woody Allen, tham gia chương trình chính thức nhưng không dự thi. Bởi theo tôi, Mikhalkov, Stone, Allen là các nhân vật ngoại hạng, với tài nghệ vượt khỏi khuôn khổ cuộc thi điện ảnh”.
Nhìn chung, ông Kirill Razlogov nhấn mạnh, danh sách các phim đoạt giải rất đa dạng. Trong đó có các phim Pháp như “Thần thánh và con người” của Xavier Beauvois và “Chuyến du ký” của Mathieu Amalric, phim “Thi phẩm” của đạo diễn Triều Tiên Chan Don Lee. Giải đặc biệt của bao giám khảo được trao cho đạo diễn người Chad Mahamat-Saleh Haroun với phim “Người đã khóc”. Trên bình diện ấy, hoàn toàn công bằng khi giải thưởng chính của Cannes thuộc về Apichatpong Virasetakul, đạo diễn hiện đang được coi là một trong nhưng nhân vật chính của điện ảnh thế kỷ XXI.