Chồng cũ và mẹ cạy cửa vào ở ngôi nhà vợ cũ vừa bán
Tháng 11/2016, bà Phạm Thị Trung (SN 1968) vay tiền ngân hàng mua ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1976) tại buôn Trinh, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh với số tiền 355 triệu đồng.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở giữa bà Trung và bà Tâm đã được UBND xã Ea Bar xác nhận đúng quy định pháp luật. Trong khi bà Tâm chuẩn bị làm thủ tục sang nhượng đất cho bà Trung thì chiều 26/11/2016, ông Trần Quốc Phùng (SN 1974) và mẹ là cụ Huỳnh Thị Soạn (SN 1942) bị cho là cạy cửa vào ở cho đến nay. Ông Phùng hiện là người thường xuyên ở tại ngôi nhà này.
Ông Phùng và bà Tâm từng là vợ chồng và có 2 con là Trần Thị Bích Hiền (SN 1997) và Trần Quốc Tuấn (SN 1999). Sau khi ly hôn năm 2015, ông Phùng, bà Tâm thống nhất giao cho hai con đất ở, ngôi nhà và toàn bộ tài sản trong nhà. Sau đó, để có tiền trang trải cho cuộc sống, hai người con đã ủy quyền cho mẹ là bà Tâm bán diện tích đất ở và ngôi nhà cho bà Trung với số tiền như đã nêu.
Trước tình cảnh dở khóc dở cười trên, tháng 12/2016, bà Trung làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Sông Hinh yêu cầu ông Phùng phải rời khỏi nhà để cho gia đình bà chuyển đến ở theo đúng hợp đồng mua bán.
Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, TAND huyện Sông Hinh tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự mà tòa đang thụ lý. Từ 2017 đến nay, trải qua nhiều lần hòa giải, bà Trung vẫn chưa thể lấy lại được nhà, trong khi hàng tháng bà vẫn phải gánh khoản lãi vay từ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Sông Hinh để mua ngôi nhà.
Vì sao vụ việc kéo dài?
Trong các lần TAND huyện Sông Hinh hòa giải, cụ Huỳnh Thị Soạn cho rằng căn nhà trên là cụ cho con trai Trần Quốc Phùng và vợ cũ Nguyễn Thị Tâm để ở chứ không phải để bán. Trong quá trình làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở (GCNQSDĐ), cụ Soạn khẳng định bà Tâm làm giả chữ ký của cụ. Điều này là trái pháp luật.
Tại tòa, bà Tâm thừa nhận có viết giấy giả tên cụ Soạn, nguyên nhân là giấy viết tay cho tặng mà cụ Soạn viết cho bà và ông Phùng (lúc chưa ly hôn) đã thất lạc trong quá trình bà Tâm nộp hồ sơ lên bộ phận địa chính xã Ea Bar và Chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện.
Về vấn đề này, ông Nay Y Nguyên, cán bộ địa chính xã Ea Bar xác nhận, vào năm 2007, bà Tâm có làm thủ tục kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ theo dự án đa dạng hóa trước khi trình lên Phòng TN&MT huyện Sông Hinh, nhưng trong quá trình lưu trữ đã làm thất lạc giấy viết tay cụ Soạn cho tặng bà Tâm và ông Phùng.
Như vậy, mặc dù cụ Soạn thừa nhận là có cho tặng ông Phùng và bà Tâm đất và nhà trên, nhưng giấy cho tặng mà bà Tâm gửi cùng hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng huyện Sông Hinh cấp GCNQSDĐ không phải của cụ Soạn; và cụ Soạn đã có đơn yêu cầu phản tố với nội dung: Hủy giấy cho tặng đất giữa cụ Soạn và bà Tâm; hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Tâm và bà Trung; hủy GCNQSDĐ do UBND huyện Sông Hinh cấp ngày 16/7/2015 cho bà Tâm.
Ngày 30/3, TAND huyện Sông Hinh quyết định chuyển vụ án “tranh chấp quyền sở hữu nhà, sở hữu đất” đến TAND tỉnh Phú Yên giải quyết vụ án kéo dài gần 4 năm này.
Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “Theo hồ sơ được chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Sông Hinh cung cấp, UBND huyện nhận thấy trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Tâm đúng quy định pháp luật. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Tâm, hai con cho bà Trung cũng tuân theo các quy định pháp luật”. Tuy nhiên, ông Phun cho hay do cụ Soạn có phản tố, do vậy quan điểm của huyện là vẫn phải chờ phán quyết của tòa án.