Chuyện anh Quân (Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội là một ví dụ. Trường mầm non thông báo nghỉ học, ông bố trẻ này phải gác lại công việc ở nhà trông con thay vợ. Thế nhưng chỉ trong phút lơ là, cậu con đã lấy son môi của mẹ bôi trét khắp người. Báo hại anh vừa phải tắm rửa cho con, vừa tìm mua son “đền vợ”.
Son môi của mẹ trở thành "đồ chơi" cho con. |
Không phải ai cũng có thể thu xếp ở nhà tự trông con hoặc may mắn nhận được “hỗ trợ” từ gia đình. Chị Xuân (36 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con mới học lớp 1 và bé thứ 2 mới 4 tuổi. Cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước không được nghỉ làm, ông bà nội ngoại ở quê xa...
Suy tính mãi, chị Xuân chỉ còn cách “nhốt” hai con trong nhà, theo dõi qua camera: “Đây cũng là trường hợp bất đắc dĩ, thôi thì thi thoảng nhờ hàng xóm có ai qua “ngó” xem thế nào. Để như vậy được vài ngày, hôm trước tôi đi làm về bỗng nhìn thấy bộ tóc nham nhở của con gái mà vừa bực vừa buồn cười. Thằng anh lôi con em ra tập tành cắt tóc. Đến khi cắt hỏng, con em khóc lóc bắt đền cả ngày”.
Vụ mua son và vụ cắt tóc xem ra vẫn còn nhẹ nhàng so với chuyện một phụ huynh than thở trên facebook, khi hai đứa con nhỏ ở nhà "buồn chân tay" đã "sáng tạo" ra cách lấy vòi nước xịt rửa đồ đạc trong nhà. Ngoài việc thu dọn "chiến trường", bố mẹ của hai bạn "quỷ sứ" này tốn khoản tiền không nhỏ mang đồ điện tử đi sửa.
Không chỉ Hà Nội, nhiều phụ huynh các tỉnh cũng dở cười dở khóc khi tự "cách ly" con ở nhà. Hơn một tháng nay, 3 mẹ con chị Lan (35 tuổi) phải khóa cửa ngôi nhà 3 tầng khang trang ở TP Bắc Giang để về nhà bố mẹ đẻ cách đó 30km tránh dịch. Chị hài hước, hoàn cảnh của mình đúng là “nhà cao cửa rộng không được ở phải đi ở nhờ”. Con trai cả chị Lan năm nay học lớp 2, con thứ mới 5 tuổi và cháu bé nhất mới 4 tháng tuổi.
Chị Lan "một nách 3 con" mùa dịch. |
Do đặc thù công việc nên chồng chị phải đi làm ở Quảng Ninh, cả tháng chỉ được về ở với vợ con 5-7 ngày. Một mình chị Lan cáng đáng nội trợ, đưa đón các con đi học và chăm con nhỏ. “Một mình tôi trông 3 đứa trẻ đã cả tháng nay. Tôi phải dành thời gian chăm bé 4 tháng nhiều, hai cháu lớn tự chơi nhưng suốt ngày đánh nhau. Có hôm đang chơi cháu thứ hai cứ khóc đòi đi học vì bị anh ở nhà bắt nạt. Giờ không “kham” nổi tôi phải đưa con về nhà ngoại, chấp nhận trông nhà qua camera vậy”.
Trẻ ở độ tuổi lớn hơn, nhiều phụ huynh được cô giáo chủ nhiệm gửi bài tập cho con làm qua zalo. Tuy nhiên, chị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) than phiền con trai học thì ít, chơi thì nhiều. Bài tập con chỉ làm lấy lệ, còn sau đó lại “cắm mặt” vào những trò chơi điện tử hay video bạo lực.
Thế nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng lo lắng cho con ở nhà mà lại nghĩ dịch bệnh là cơ hội để cả nhà vui chơi. Đó là trường hợp anh Hoàng Vượng (45 tuổi) đang công tác ở Hà Nội. Anh chia sẻ, nếu để các con ở nhà cả tháng cũng bức bí nên vợ chồng anh quyết định đi du lịch.
Nghe có vẻ hơi mạo hiểm nhưng anh Vượng nói: “Chỉ cần mình chú ý phòng tránh thì sẽ an toàn, không phải cứ đi du lịch là bị dính virus. Ngược lại mấy khi các con được nghỉ dài ngày như thế này, vé máy bay, khách sạn lại đang giảm, các khu du lịch không quá đông. Phải chăng là dịp lý tưởng để đi du lịch, quả là ngon-bổ-rẻ”, anh Vượng lạc quan.