Là thành phố lớn, cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, mọi sự biến động giá các mặt hàng, sản phẩm tác động lớn đến thị trường hàng hóa và tâm lý tiêu dùng của người dân đất Cảng. Bởi vậy, cần thiết có can thiệp của chính quyền và ngành chức năng để điều chỉnh, cân đối, bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hợp lý.
Tại các chợ, nông sản bắt đầu tăng giá |
Hàng thiết yếu rục rịch tăng giá
2 tháng trước, các cửa hàng gạo trong khu vực nội thành bán các loại gạo ăn thông thường chưa đến 10 nghìn đồng/kg, những ngày gần đây, mức giá tăng cao hơn, gạo thông thường 11 nghìn đồng/kg, gạo ngon 12- 13 nghìn đồng/kg. Theo phản ánh của các bà nội trợ, giá gạo thời điểm này chỉ tăng nhẹ, nhưng một số loại thực phẩm, rau xanh giá cao hẳn hơn vài tháng trước. Tại cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm sản xuất của trang trại của gia đình ông Họa xã ở Thái Sơn (An Lão) ở khu vực chân cầu Niệm, thường xuyên trong tình trạng sốt trứng gia cầm. Giá bán trứng tăng thêm tới 20-30% mà không đủ cung cấp cho thị trường, bởi vậy cửa hàng hạn chế bán lẻ, ưu tiên cho các bếp ăn tập thể hoặc các cơ sở làm bánh có nhu cầu mua nhiều. Giá nước mắm Cát Hải loại cao đạm, cá quẩn…hiện cũng tăng 2000- 4000 đồng/lít.
Một số hàng tiêu dùng khác cũng bắt đầu tăng giá. Chủ cửa hàng bán tạp hóa trên đường Trường Chinh (quận Kiến An ) cho biết: “Từ đầu tháng 9, giá một số loại bánh, kẹo, đường, sữa nhập vào tăng 5-7 %. Cứ đà này, vào cuối năm, nhất là dịp áp Tết, giá còn tăng cao hơn”. Như vậy, vừa mới có thông tin về việc dự kiến điều chỉnh lương vào năm tới thì thời điểm gần cuối năm nay, người tiêu dùng đã phải đối mặt với nhiều mặt hàng liên tục tăng giá. Hầu hết các bà nội trợ than phiền, trong số các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, dầu ăn và gas giá tăng quá cao. Gần đây, giá gas liên tục ở mức 290 - 295 nghìn đồng/bình, giá dầu ăn simply 160 nghìn đồng/5 lít… Biến động nhiều nhất là giá vàng. Từ mức 2,7-2,8 triệu đồng/chỉ, có thời điểm giá vàng nhảy lên hơn 3,3 triệu đồng/chỉ.
Hiếm cơ hội mua hàng bình ổn giá
Khi giá cả hàng hóa thường xuyên biến động, đặc biệt là vào dịp cuối năm, nếu người tiêu dùng được mua hàng bình ổn giá sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên vấn đề này thời gian qua còn xa vời tại Hải Phòng.
Từ cuối năm 2009 đến nay, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thành phố tổ chức một số hội chợ thương mại, chương trình Tuần hàng Việt Nam góp phần quảng bá cho thương hiệu hàng Việt, khuyến mại kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, các chương trình này chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tại các hội chợ hoặc Tuần hàng thường bán khuyến mại một số sản phẩm như hàng thời trang lỗi mốt, một số đồ gia dụng ít giá trị sử dụng…, chưa tập trung vào bán các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá bình ổn. Một số người tiêu dùng thường mong đợi mua hàng bình ổn giá vào các đợt bán hàng khuyến mại của các siêu thị. Tuy nhiên, một số mặt hàng ở siêu thị tuy quảng cáo là giảm giá, nhưng theo người tiêu dùng nếu tính cả giá trị VAT cũng không rẻ hơn giá thị trường. Hơn nữa, số hàng giảm giá có hạn, người tiêu dùng chậm chân sẽ khó có cơ hội. Tuần trước, siêu thị Big C có giảm giá dầu ăn Simply, nhưng sản phẩm này luôn trong tình trạng khan hàng. Đặc biệt, ở ngoại thành xa trung tâm thành phố, người dân càng khó có cơ hội được mua hàng bình ổn giá bởi thiếu thông tin và trở ngại vì đường xa.
Có thực tế trên bởi thời gian qua vấn đề bình ổn giá trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm, thực hiện không thường xuyên. Theo báo cáo của Sở Công Thương, bên cạnh chương trình khuyến mại thực hiện ở các siêu thị và một số hội chợ, dịp Tết Canh Dần 2010 thành phố hỗ trợ lãi suất cho 4 doanh nghiệp khoảng 500 triệu đồng để bảo đảm bình ổn giá cho 5 mặt hàng. Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, vấn đề bình ổn giá được đầu tư lớn, thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả cao. Tại hội nghị trực tuyến họp bàn về giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề bình ổn giá được thành phố chỉ đạo thực hiện tốt từ năm 2002 đến nay. Việc bán hàng bình ổn được thực hiện công bằng ở các nơi từ trung tâm thành phố đến ngoại thành, khu công nghiệp…bảo đảm người dân nghèo, công nhân đều dễ dàng mua hàng bình ổn. Để làm tốt công tác này, thành phố xác định những doanh nghiệp có uy tín tham gia vào chương trình bình ổn giá, đồng thời trích ngân sách ủng hộ doanh nghiệp tham gia bình ổn đa dạng sản phẩm. Năm 2004, ngân sách thành phố đầu tư 214 tỷ đồng cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, năm 2010 thành phố đầu tư hơn 380 tỷ đồng cho chương trình này. Thành phố Hà Nội năm 2009 ứng 250 tỷ đồng cho doanh nghiệp với lãi suất bằng 0 để bình ổn 9 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân. Năm nay, Hà Nội đầu tư 500 tỷ đồng cho chương trình này.
Siêu thị Intimex tổ chức bán hàng ở ngoại thành |
Cần giải pháp tháo gỡ kịp thời, đồng bộ
Tại hội nghị giao ban trực tuyến bàn giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn hàng hóa tổ chức đầu tháng 10 vừa qua, các bộ, ngành chức năng dự báo sẽ có biến động cung- cầu và giá một số mặt hàng, sản phẩm vào dịp cuối năm như thịt lợn, gia cầm, gạo, rau quả, điện, nước, vật liệu xây dựng…Chỉ đạo vấn đề này, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi diễn biến cung cầu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng xăng dầu, thực phẩm, thép; từ đó dự báo sớm để các địa phương có giải pháp bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hợp lý. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh, khôi phục sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung nhóm mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc biệt là thịt lợn, thịt gia cầm. Các tỉnh, thành phố đánh giá lại thực tế cung cầu các mặt hàng thiết yếu, xác định rõ các mặt hàng cần bình ổn, có tiêu chí cụ thể xác định doanh nghiệp tham gia bình ổn được hỗ trợ kinh phí ngân sách dự trữ hàng hóa, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm…
Tiếp thu chỉ đạo, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Sở Công Thương thành phố xác định, những tháng cuối năm sẽ tập trung triển khai một số giải pháp thiết thực. Đó là đề xuất thành phố cho các doanh nghiệp vay trị giá 70 tỷ đồng với lãi suất % để dự trữ 10 mặt hàng phục vụ thị trường cuối năm, khuyến khích doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ hàng hóa, cung ứng giá bình ổn dịp cuối năm và sau Tết. Tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tiếp tục triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức tốt các hội chợ thương mại đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm của nhân dân. Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, chống gian lận thương mại…
Bài và ảnh Hải An