Khó khăn lắm, PV mới quen được một đồng trưởng có tiếng ở Hà Nội để theo chân người này đến dự một buổi họp mặt của những người hầu đồng. Trong nhóm đến 20 người lập thành hội hay đi hầu đồng lại có đầy đủ cả các thành phần già trẻ, gái trai, làm ăn kinh doanh đến cả dân công sở. Tất cả đều là những thanh đồng hết mực thành tâm với Tứ phủ và sẵn sàng quên mình để theo mẫu, theo thánh. Tuy nhiên, đằng sau chuyện hầu đồng có nhiều việc đáng nói.Chi tiền trăm triệu làm lễ dâng thánh Địa điểm mà thanh đồng đưa chúng tôi đi dự hầu lần này là ở huyện H., tỉnh Lạng Sơn. Có rất nhiều địa điểm mà dân hầu đồng thường lựa chọn, tuy nhiên, thanh đồng quyết định chọn đền này, vì theo “cô”, lần trước đã hầu ở đây thì về “cả năm ăn nên làm ra, hưởng lộc Thánh”.
Quanh "cô" là các tứ trụ, là người trực tiếp được cô sai khiến bưng bê đồ lễ, hầu rượu, thay áo mão khi tiếp sang giá mới, che quạt khi cô cần vui chơi, ăn, hút (Ảnh: Tiến Thành) |
Người hầu đồng lần này là học trò của “cô” Đ., một thầy có tiếng ở Hà Nội vì có nhiều con nhang, đệ tử. Buổi hầu hôm đó có cả "cô" Đ. cùng đi nên mọi người đều khá hỉ hả. Các học trò của “cô” Đ. cũng theo đoàn đi để phục vụ “cô” nên đoàn càng hoành tráng. Mặc dù, giờ hầu đồng bắt đầu lúc 13h, nhưng từ 1h sáng, thanh đồng đã đi từ Hà Nội với một lực lượng hùng hậu. Xe chở người theo đoàn 24 chỗ, các xe ô tô lớn nhỏ do cá nhân tự đi thì không tính được bởi mọi người xuất phát lác đác. Nhưng lễ mang theo để dâng cúng thì chở đầy 2 xe ô tô 24 chỗ. Đồ đựng xiêm áo của thanh đồng để chật 3 va li loại lớn. 2 thanh niên cao to vạm vỡ được sắp xếp theo 2 xe này chỉ để quản lý đống đồ lễ sao cho không bị suy suyển. Tiền đặt lệ phí trung bình cho mỗi lần hầu đồng ở những đền phủ các tỉnh thường dao động khoảng 500.000 đồng. Nhưng một con nhang cho biết, nếu vào những ngày cuối năm thế này thì số tiền có tăng chút đỉnh. Còn ở các thành phố lớn thì giá thường cao hơn. Nhưng số tiền này là quá nhỏ so với những người chuyện đi hầu đồng. Vì nhiều người cho rằng giá hầu càng nhiều tiền thì công việc trôi chảy hơn hoặc tâm linh được thoải mái... cho nên họ sẵn sàng bỏ ra tiền chục, thậm chí là tiền trăm để thực hiện các giá hầu.
Tại nơi diễn ra hôm nay, thanh đồng còn nhờ người nhà đặt sẵn nơi ăn, chốn nghỉ cho những người cùng dự. Buổi hôm đó có gần 50 người đi cùng, tiền ăn nghỉ từ sáng sớm đến chiều tối lên đến gần chục triệu. Hoành tráng nhất là khoản lễ hầu được bày biện công phu, đủ các loại bánh kẹo, rượu mạnh, trái cây đắt tiền. Thanh đồng được bạn bè trong hội hầu chuẩn bị đồ lễ cầu kỳ đến mức có cả mỳ chính, dầu ăn để mong dâng được lễ hầu đầy đủ nhất.Tiền tung như mưa Ngôi đền nằm trên đồi cao, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Trước đây, đền là một am nhỏ, thường xảy ra hỏa hoạn. Sau này, với sự cúng tiến của một mạnh thường quân, đền được xây dựng thành một ngôi nhà ba gian. Quanh đền, dân sống chủ yếu vào nghề nông, một số ít hộ kinh doanh phục vụ khách thập phương đến lễ. Tuy nhiên, cứ đến lúc trên đền có buổi hầu là người dân lại kéo đến để xin tiền lộc tung ra. Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp, từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, hàng Cô và Cậu. Số lượng giá trong một buổi lên đồng có khi lên tới 36 giá thơ. Giá quan thì nghiêm cẩn, giá ông Hoàng thì ăn chơi ra dáng, giá cô thì dẻo quẹo tha thướt. Các cô gồng gánh đi chợ, nón thúng quai thao tay ve vẩy múa như đứa trẻ. Giá đồng nào trước khi hồi cung, các cô các cậu các quan đều hào phóng phát lộc cho đệ tử và những người thưởng ngoạn.
Tiền bay như mưa |
Bình thường, nhà nào có điều kiện ở mức trung bình thì chỉ phát lộc tờ tiền loại 5 nghìn, 10 nghìn, cao thì 50 nghìn. Nhưng buổi hầu lần này là buổi lớn, cô đều phát lộc tiền loại 50 nghìn trở lên. Tiền vung ra làm thiên hạ lóa mắt vì toàn thấy 100 nghìn, 500 nghìn. Tiền trao tay cho những người bạn cùng đi hầu thì chỉ có loại 500 nghìn. Dân xung quanh ít khi thấy giá hầu nào cao tiền như thế này nên đổ xô đến nhặt lộc rơi lộc vãi. Có cụ già 70 tuổi cũng cố gắng chống gậy lên để mong nhặt được 1 tờ tiền lộc của buổi hầu này thì nhà cụ cũng ăn được vài bữa. Dân kéo đến đông quá, người nhà của thanh đồng phải cử nhau ra canh, chặn không cho vào gian hầu vì sợ náo loạn. Bạn bè đi hầu cùng thanh đồng ai cũng được lộc gần chục triệu sau buổi hầu. Những người được "cô" ban lộc nhiều nhất thường là cung văn. Cung văn nào hát hay đàn ngọt thì sau khi phục vụ vài chục giá đồng, được ban chục triệu. Sau mới đến các tứ trụ, là người trực tiếp được cô sai khiến bưng bê đồ lễ, hầu rượu, thay áo mão khi tiếp sang giá mới, che quạt khi cô cần vui, chơi, ăn, hút. Lộc thánh cho mọi người mang về chia ra được 60 túi, mỗi túi trị giá 3 triệu đồng. Ai cũng hỉ hả sau buổi hầu, khen thanh đồng hát hay, múa đẹp…
Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, hầu đồng vốn có bản chất là một tín ngưỡng dân gian với phương thức trao gửi vật phẩm để cầu tài cầu lộc. Lẽ thường, càng sắm sanh đồ lễ lớn bao nhiêu thì niềm tin tín ngưỡng càng được thỏa mãn bấy nhiêu. Còn trong thời hiện tại, với gia tài kếch xù cả hàng trăm, hàng nghìn tỉ của ai đó thì chuyện tốn một vài tỉ cho mỗi vấn hầu hàng năm cũng không lấy gì làm lạ. Đó là một niềm tin hồn nhiên trong cuộc trao gửi, cầu xin- đón nhận tưởng tượng của con người. Trong khi đó, trả lời báo Sức khỏe và đời sống, NSƯT Minh Thu cho rằng: “Hầu đồng là một nét văn hóa, nhưng chúng ta đừng nên quá phí phạm và phô trương, đừng dùng để trục lợi. Phải gìn giữ nét văn hóa độc đáo của môn nghệ thuật này”. Ngày nay, càng có nhiều người cho rằng “giá hầu” càng mâm cao, cỗ đầy thì càng thúc đẩy công việc trôi chảy hơn hoặc tinh thần thoái mái hơn thì càng có nhiều “cô đồng bóng cậu” ăn nên làm ra. Thực chất nhiều người đã bỏ những đồng tiền vào những điều hão huyền, ảo tưởng. Hãy trả lại bản chất tốt đẹp cho hầu đồng, để hầu đồng mãi là giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian. |
Theo Thu Lý
VietNamNet
VietNamNet