Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong quý III/2019, thị trường BĐS miền Bắc vẫn đi theo chiều hướng giảm, trong đó địa bàn Hà Nội ghi nhận sự giảm sút mạnh nhất. Cụ thể, ở phân khúc căn hộ, tổng số sản phẩm mới được chào bán ra thị trường giảm hơn 2.200 căn so với quý II/2019, giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm 2018. Đối với phân khúc nhà ở thấp tầng, tổng số nguồn cung mới đủ điều kiện do Sở Xây dựng Hà Nội cấp được chào bán chỉ có gần 600 sản phẩm.
Ở các tỉnh, thành lân cận với Hà Nội, dù được đánh giá cao song nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công không mấy khả quan. Tại địa bàn mới như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh… lượng cung BĐS tương đối ít.
Trong quý III/2019, các dự án (DA) mới không xuất hiện, một số DA bị dừng hoạt động xây dựng, toàn vùng ghi nhận có khoảng 900 giao dịch thành công, chủ yếu đến từ các sản phẩm đất nền, tỷ lệ hấp thụ căn hộ thấp do chính sách lãi suất cao từ các ngân hàng. Sản phẩm đất nền tại các địa bàn này được ghi nhận mức cao nhất khoảng 10 triệu đồng/m2.
Tại Bắc Giang có những thời điểm giá đất tăng ảo, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng, tuy nhiên sau khi được chính quyền vào cuộc kiểm soát, thị trường đã bình ổn. Quảng Ninh là địa bàn có hoạt động tích cực nhất với trên 1.200 sản phẩm được giao dịch. Nhưng những sản phẩm này đều đã được chào bán từ quý trước đó, không có sản phẩm mới nào được chào bán trong Quý II/2019.
Theo ông Vũ Quang Vinh (Hiệp hội BĐS Việt Nam) thời gian qua, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS là nhiều DA nhà ở tại các TP lớn bị dừng triển khai do những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung DA và sản phẩm. Mất cân bằng cung - cầu làm cho giá nhà bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển về các tỉnh lẻ triển khai DA để được hưởng cơ chế ưu đãi và thủ tục đầu tư đơn giản hơn. Đơn cử, có thể kể đến là Quảng Ninh đã ghi nhận sự chuyển dịch thành công của nhiều DA vơi sự góp mặt của các ông lớn như Vingroup, Sun Group, FLC Group.
Trong quý III, Quảng Ninh là địa bàn hoạt động tích cực nhất với trên 1.200 sản phẩm được giao dịch. Tiếp theo là Bắc Giang, đã thu hút trên 100 DA đầu tư mới với tổng vốn quy đổi lên tới hơn 722 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2019, đạt 134% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Nguyên cũng là một điểm sáng đầu tư vùng ven khi ghi nhận 62 DA của 44 nhà đầu tư với tổng số vốn trên 115.000 tỷ đồng. Trong đó, có 34 DA thuộc các lĩnh vực hạ tầng đô thị, du lịch nghỉ dưỡng…
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những tháng cuối năm 2019 thị trường BĐS miền Bắc sẽ khởi sắc hơn, bất chấp việc nguồn cung mới sẽ không tăng nhiều so với các quý trước đó.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, trong những tháng cuối năm, nhiều sản phẩm đã được hình thành từ thời điểm trước sẽ được các chủ đầu tư “bung” ra thị trường, tỷ lệ hấp thụ sẽ ở mức cao hơn và việc tăng giá là điều không thể tránh khỏi.
“Tại Hà Nội, thị trường sẽ tiếp tục phát triển ổn định, có tính chất bền vững, tỷ trọng giữa các phân khúc sản phẩm sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng giao dịch khó có thể vượt so với cùng kỳ năm 2018. Giá bán sẽ tăng từ 1 – 2%”, ông Đính nhận định
Chuyên gia Vũ Quang Vinh cũng cho rằng, những tháng cuối cùng của năm là thời điểm người dân bắt đầu thu hồi được tài chính từ các hoạt động sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó là tâm lý mua nhà mới để đón Tết Nguyên đán nên các giao dịch sẽ diễn ra nhiều hơn…