(LĐ online) - Tiến tới Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Huỳnh Phong Tranh – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh về những kết quả to lớn, bài học và kinh nghiệm trong thực tiễn xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà
PV: - Thưa Bí thư Tỉnh ủy, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng đã bước vào gần hết năm thứ tư, điều đó minh chứng sức thuyết phục to lớn của Cuộc vận động!
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Phong Tranh. |
Bí thư Tỉnh ủy: - Như chúng ta biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người đã trở thành tài sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, đất nước, thể hiện từ việc tạo nhận thức, ý thức, đến hành động làm theo tấm gương đạo đức của Bác, quyết tâm cống hiến, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, cuộc vận động cũng góp phần chấn chỉnh, khắc phục tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thiếu sự phấn đấu vươn lên trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần xây dựng con người mới XHCN; củng cố thêm niềm tin của mọi người dân đối với Đảng và chế độ XHCN ở nước ta.
PV: - Xin đồng chí cho biết sức lan tỏa của Cuộc vận động đối với nhận thức, đời sống xã hội; đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ được thể hiện qua kết quả nổi bật như thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy: - Phải khẳng định: Cuộc vận động đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh. Việc học tập, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm thực hiện và giám sát việc thực hiện. Đã có rất nhiều mô hình, phong trào và cuộc vận động thiết thực, cụ thể được triển khai đạt kết quả tích cực, nổi bật như: Ở địa bàn dân cư, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế… đã được triển khai gắn chặt với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó thu hút được mọi người tham gia, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư. Trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, việc chấn chỉnh kỷ cương, sửa đổi lề lối, tác phong làm việc, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí… đã được các cấp ủy đảng và toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, góp phần quan trọng, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Qua triển khai cuộc vận động, đến nay hầu hết các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng chuẩn mực đạo đức và triển khai đăng ký làm theo trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ LLVT... Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, 100% đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 100% sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và hầu hết các xã, phường, thị trấn đã thực hiện chào cờ đầu tuần gắn với các nội dung tuyên truyền về việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và triển khai nhiệm vụ công tác hàng tuần. Trong 4 năm qua, đã có trên 550 tập thể, gần 1.000 cá nhân ở cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, trên 1.500 tập thể, 3.500 các nhân ở cấp cơ sở được biểu dương, khen thưởng; riêng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tổ chức gặp mặt, biểu dương 43 gương điển hình vào năm 2009 và 67 gương điển hình vào đầu năm 2010; giới thiệu 15 gương điển hình của tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương khu vực miền Trung- Tây Nguyên, giới thiệu 1 tập thể và 2 cá nhân dự hội nghị gặp mặt, biểu dương do Trung ương tổ chức vào đầu năm 2010. Dịp tổng kết sắp tới, tỉnh dự kiến sẽ biểu dương 38 tập thể và 53 cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện cuộc vận động.
Kết quả đạt được từ cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị địa phương trong những năm qua, đáng chú ý như: Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2006-2010 đạt 14%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2006 đạt 8 triệu đồng, đến năm 2010 tăng lên 19 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hàng năm 20- 25% (khoảng 400 triệu đồng/năm), năm 2010 ước đạt 3.050 tỷ đồng. Các lĩnh vực VH-XH có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ 18,32% năm 2006 đến nay giảm xuống còn 6,6%. An ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững ổn định. Cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng thực hiện; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước được nâng lên; đã hoàn thành và công bố bộ thủ tục hành chính chung cấp xã, huyện và các sở, ngành của tỉnh; triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 18/19 sở, ngành của tỉnh và 12/12 đơn vị hành chính cấp huyện; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 đối với 19/19 sở, ngành, 12/12 huyện, thị xã, thành phố; đã xây dựng và triển khai khá tốt kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng giai đoạn 2009-2011, không để xảy ra vụ việc nào đáng quan tâm trong những năm gần đây; từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh thực hiện tiết kiệm được 470 tỷ đồng, bên cạnh đó, đã thực hiện tốt chủ trương dừng mua sắm ô tô và các trang thiết bị đắt tiền. Công tác xây dựng Đảng cũng đạt những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực chính trị- tư tưởng, tổ chức- cán bộ, kiểm tra- giám sát và vận động quần chúng; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; kết quả hàng năm đều có từ 70- 72% TCCS đảng đạt TSVM, trên 80% đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Kết quả đạt được trên các lĩnh vực KT-XH, QPAN, xây dựng hệ thống chính trị như trên đã khẳng định: mục tiêu đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thực hiện hoàn thành, tạo tiền đề cho bước phát triển nhanh, bền vững trong những năm sắp tới.
PV: - Đề nghị đồng chí cho biết một vài mô hình, gương điển hình tiêu biểu ?
Bí thư Tỉnh ủy: - Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được khá nhiều mô hình tiêu biểu, đáng chú ý như:
- Đảng bộ huyện Đạ Huoai với mô hình “5 xây, 5 chống” (1- Xây dựng lý tưởng cách mạng XHCN- chống tư tưởng hoàn nghi, giao động trước khó khăn; 2- Xây dựng tác phong quần chúng, nói đi đối với làm- chống quan liêu, cửa quyền, vô cảm; 3- Xây dựng tinh thần trách nhiệm- chống tham ô, tham nhũng; 4- Xây dựng ý thức cần kiệm- chống lãng phí, xa hoa; 5-Xây dựng tinh thần đoàn kết thống nhất- chống bè phái cục bộ).
- Đảng bộ thị trấn Lộc Thắng- Bảo Lâm với mô hình “4 không, 3 cần” (4 không: 1- Không vi phạm quy chế làm việc; 2- Không hách dịch, cửa quyền; 3- Không uống rượu bia, chất kích thích trong giờ hành chính; 4- Không hút thuốc lá tại cơ quan. 3 cần: 1- Cần ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc, tác phong thái độ niềm nở, đúng mực trong khi làm việc và tiếp dân; 2- Cần vệ sinh cơ quan, phòng làm việc sạch đẹp, để xe đúng nơi quy định; 3- Cần làm việc đúng giờ, có chất lượng, chào cờ sáng thứ hai hàng tuần).
- Hội Phụ nữ các huyện, thành phố với mô hình “Nuôi heo đất”, “Ống tre tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”; qua 4 năm đã được trên 1 tỷ đồng, và 3 tấn gạo.
- Hội Cựu chiến binh với phong trào “Hội Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cộng đồng khu dân cư tham gia xóa nhà tạm”… Qua các phong trào của Hội, nhiều hội viên đã hiến tặng hàng ngàn m2 để làm đường giao thông và công trình phúc lợi chung của xã. Tiêu biểu như: xã Nam Hà- Lâm Hà có hơn 50 hội viên tặng 10.000 m2 đất (trong đó hội viên Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Thị Nhung đã hiến tặng 1.000 m2 đất vườn cà phê); xã Đạ Oai- Đạ Huoai có hội viên Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Văn Dũng hiến tặng 1.000 m2 đất, hội viên Đặng Trung Nguyện hiến tặng 500 m2 đất..
- Một số gương điển hình tiêu biểu như: Tiến sĩ Phạm S- Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ đã tích cực nghiên cứu, sáng tạo, đưa tiến bộ của khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội địa phương, đất nước; Linh mục Trần Đức Thành- Chánh xứ Tân Rai, Lộc Thắng, Bảo Lâm với tâm huyết và tấm lòng của mình, đã đóng góp nhiều cho công tác vận động quần chúng, chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Đ/c Nguyễn Văn Thịnh- Bí thư Chi bộ thôn Cát Lâm 3, xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên đã phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, đã đóng góp, tham gia tích cực công tác xã hội, từ thiện nhân đạo, xây dựng công trình phúc lợi công cộng với giá trị lên tới hàng tỷ đồng; Già làng Ya Brai- thôn Tou néh, Tà Năng, Đức Trọng và Già làng K’Brịp- thôn Di Linh Thượng 1, xã Gung Ré, Di Linh là những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại địa phương.
- Ngoài ra còn rất nhiều mô hình và tấm gương tiêu biểu khác ở khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh rất xứng đáng để xã hội tôn vinh.
PV: - Theo đồng chí, những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm nào dẫn đến thành công của Cuộc vận động ?
Bí thư Tỉnh ủy: - Từ thực tiễn triển khai thực hiện Cuộc vận động, có thể rút ra một số nguyên nhân đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm chủ yếu như sau:
1- Về vai trò của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị: Nơi nào cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm và gương mẫu thực hiện thì cuộc vận động ở nơi đó đạt hiệu quả cao. Đây là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân, bảo đảm hiệu quả và sự thành công của cuộc vận động.
2- Về công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức: Nếu được thực hiện tốt, có chất lượng, đi vào chiều sâu sẽ tạo được sự chuyển biến cụ thể, rõ nét trong nhận thức và hành động của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân. Cuộc vận động chỉ thực sự thành công khi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân có ý thức và tự giác thực hiện.
3- Gắn chặt cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị được giao, lấy hiệu quả công việc, đạo đức, lối sống, uy tín trong tập thể và nhân dân để đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động.
4- Chú trọng và duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, định kỳ sơ kết, đánh giá để kịp thời rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình; đồng thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh tập thể, cá nhân gương mẫu.
PV: - Thưa Bí thư Tỉnh ủy, để Cuộc vận động tiếp tục đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh to lớn trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong thời gian tới Lâm Đồng cần khắc phục những hạn chế, yếu kém nào trong việc tạo nhận thức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ ?
Bí thư Tỉnh ủy: Một số nội dung cần tập trung triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới là:
- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, tạo nhận thức song song với việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, cần tập trung tạo sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức và hành động của các tập thể, cá nhân làm việc tại các cơ quan của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và các doanh nghiệp.
- Khẳng định và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, gắn với xác định rõ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
- Rà soát, bổ sung, xây dựng mới chuẩn mực đạo đức của từng cơ quan, đơn vị theo hướng cụ thể, rõ ràng, thể hiện rõ trách nhiệm đối với từng lĩnh vực công tác; trên cơ sở đó tổ chức để từng cá nhân đăng ký làm theo đảm bảo thiết thực, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; định kỳ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tự phê bình và phê bình.
- Gắn chặt cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị, xác định thực hiện tốt cuộc vận động là hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm và ngược lại. Chú ý tránh tình trạng “nói không đi đôi với làm”, chấn chỉnh công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, biểu dương, tôn vinh và phát huy được nhân tố thực sự tích cực trong thực hiện cuộc vận động và nhiệm vụ chuyên môn.
- Tập trung đưa cuộc vận động về địa bàn dân cư- từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động gắn với phong trào của các đoàn thể- chú trọng xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến trong khu dân cư- phát huy tính chủ động, vai trò tự quản của nhân dân trên địa bàn- biểu dương, khen thưởng kịp thời…
- Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp về tấm gương đạo đức của Bác trong các đối tượng là học sinh, sinh viên.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp gắn với xác định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo; chú trọng theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời chỉ đạo.
PV: - Xin cám ơn đồng chí và tin rằng qua hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động, phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng!