Nhìn thấy mình trong những bức ảnh
Những năm tháng ấy đã đi qua. Nhưng mọi ký ức lại ùa về với hai mẹ con PGS.TS. Vũ Thị Phụng và mẹ là bà Vũ Thị Dưỡng khi tham dự triển lãm “Hậu phương thời chiến giữa thế kỷ XX”.
Bà Vũ Thị Dưỡng từng là nữ du kích thời chống Pháp, cán bộ xã thời chống Mỹ. Chồng bà, bố cô Phụng, từng là quân nhân chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Sau khi xuất ngũ, ông về quê làm ruộng, lấy vợ, sinh con.
Năm 1965, khi có lệnh tổng động viên, ông tái ngũ trở lại quân đội. Khi đó, cô Phụng là con gái cả mới có 6 tuổi, em thứ hai 4 tuổi, em thứ ba 2 tuổi và em thứ tư đang ở trong bụng mẹ. Những người lính như bố cô ra đi như vậy, để lại một hậu phương là đàn con nhỏ và người vợ với bao khó khăn chồng chất. Bất chấp khó khăn, hậu phương miền Bắc vẫn luôn kiên cường.
Món quà Chiếc gậy Trường Sơn tặng những chàng trai nhập ngũ ở huyện Văn Giang, Hưng Yên, năm 1967. |
Nhìn bức ảnh chụp những người mẹ khoác súng trên vai đi cày trên đồng ruộng, chiều về vội đến đón con, hoặc cảnh tát nước chống lụt trong đêm, cảnh dồn những đống thóc cao như núi để chuẩn bị lương thực chuyển vào miền Nam nuôi bộ đội…, bà Dưỡng như thấy lại hình ảnh của chính mình, của các bà, các mẹ ở quê.
Bà Dưỡng trò chuyện với cô Phụng: “Ảnh chụp khi nào mà giống cảnh quê mình (Thái Bình - PV) đến thế. Ngày ấy đúng như trong ảnh, trên cánh đồng hầu như chỉ toàn phụ nữ vì đàn ông ra trận hết rồi. Ai cũng vất vả, nhưng lúc nào cũng hăng say, tất cả đều hướng về tiền tuyến”.
Chỉ tay vào bức ảnh các em thiếu nhi đội mũ rơm đi học, bà Dưỡng hồi tưởng: “Ngày đó (năm 1967 - PV) con cũng bằng tuổi các cháu này (khoảng 6 -7 tuổi), mẹ phải đan mũ rơm thật dày cho con đi học, để nếu gặp bom bi thì tránh được. Nhà mình cũng đào hầm chữ A ở ngoài vườn, cả hầm ở gầm giường.
Ban đêm, các con phải chui xuống hầm học bài để không hắt ánh sáng ra ngoài. Khi ngủ, mẹ bắt các con nằm phải quay chân về phía miệng hầm, nếu có máy bay, mẹ chỉ việc kéo chân của 4 đứa cho rơi xuống hầm đã lót sẵn đệm rơm trên nền đất, rồi mẹ lại gò lưng kéo mấy chị em vào trong, vì đứa nào cũng ngủ say như chết…”.
Hậu phương miền Bắc thời chiến là thế. Biết bao phụ nữ khác như bà Dưỡng, bao đứa trẻ khác như cô Phụng và các em cô đã buộc phải kiên cường, buộc phải vượt qua, để góp sức cùng tiền tuyến, để những người lính như bố cô có thể yên tâm đánh giặc.
Đón con sau giờ trực chiến, Hải Dương, năm 1967. |
Nhìn vào bức ảnh những người lính trẻ măng, miệng cười tươi chào người thân, chào hậu phương lên đường nhập ngũ, bà Dưỡng bùi ngùi nói với con: “Ngày nhập ngũ, bố con không còn trẻ như chú lính này, nhưng cảnh tiễn bộ đội lên đường ở quê mình thì đúng như trong ảnh”.
Để mọi người dân đều có thể tự hào về đất nước, dân tộc
Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019), Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp với Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ “Hậu phương thời chiến giữa thế kỷ XX”.
Triển lãm giới thiệu hơn 100 tác phẩm ảnh của nghệ sĩ Mầu Hoàng Thiết về hậu phương nước ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bối cảnh các bức ảnh được tác giả ghi nhận ở khắp các vùng trên cả nước, từ miền xuôi, đến miền ngược, từ hậu phương đến tiền tuyến; nhân vật đa dạng; từ các em học sinh đến trường, các chị em trong lao động sản xuất, các thanh niên lên đường ra chiến trường, các chiến sĩ trên trận địa, những tấm gương trong sản xuất và chiến đấu.
Bé đến lớp nơi sơ tán. Con em công nhân nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội sơ tán về xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, năm 1967. |
Đặc biệt, còn có những hình ảnh bình dị về các lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Nguyên Giáp với quần chúng nhân dân, với phong trào kháng chiến…
Tất cả được ghi lại dưới con mắt nghệ thuật, nhân văn, yêu nước của nghệ sĩ Mầu Hoàng Thiết. Thế nên qua triển lãm, người xem sẽ thấy được ý nghĩa sâu sắc từ những bức ảnh trưng bày: Đó là tinh thần lao động khẩn trương, tích cực, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến của hậu phương, ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân cả nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, niềm tin vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc. Những bức ảnh của Triển lãm đã đưa hai mẹ con bà Dưỡng - cô Phụng trở lại với ký ức xưa, ký ức về một thời gian khó khăn nhưng rất đáng nhớ, rất đáng tự hào.
Tác giả Mầu Hoàng Thiết là Việt kiều Thái Lan, năm 1950 tham gia quân tình nguyện Việt Nam ở Thái Lan, rồi sang Lào chiến đấu. Ông cùng đơn vị chiến đấu ở Hạ Lào từ 1950 đến 1954. Hòa bình lập lại ở Đông Dương, đội quân ấy về nước. Ban đầu tập kết ở Thanh Hóa, ông được điều làm cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn 35 với nghiệp vụ nhiếp ảnh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết |
Năm 1962, ông Thiết về báo Tiền Phong công tác và được phân công chụp các hoạt động của Đoàn trong phong trào Thanh niên ba sẵn sàng. Chủ đề thanh niên tòng quân, sản xuất chiến đấu giỏi, học tập tốt... ở các tỉnh miền Bắc luôn là đối tượng thể hiện của ông. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Nhiếp ảnh đợt V, năm 2016 với bộ 5 tác phẩm về đề tài “Hậu phương thời chiến”.
Với sự trân trọng từng khoảnh khắc và trách nhiệm với lịch sử, nghệ sỹ Mầu Hoàng Thiết và gia đình đã quyết định trao tặng trao tặng hơn 1000 tác phẩm ảnh (bao gồm hơn 700 phim gốc và hơn 300 file scan chuyển từ phim, ảnh giấy cũ sang dạng kỹ thuật số) quý giá do ông sáng tác vào bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Triển lãm đã gợi cho hai mẹ con bà Dưỡng cô Thiết nhiều kỷ niệm. |
Theo kế hoạch, sau triển tại Bảo tàng Phụ nữ ở Hà Nội vào tháng 4/2019, bộ ảnh sẽ tiếp tục được trưng bày triển lãm luân phiên tại các tỉnh/thành khác trên cả nước theo chương trình của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.