Cuộc tình “đắt giá” với chính trị gia nổi tiếng Na Uy

Ông Sandberg
Ông Sandberg
(PLO) - Bộ trưởng nghề cá Na Uy Per Sandberg giữa tháng 8 vừa qua đã phải từ chức trong Chính phủ, đồng thời cũng mất luôn cả vị trí Phó Chủ tịch đảng Tiến bộ của Na Uy. Các động thái này diễn ra sau khi ông Sandberg vướng phải những chỉ trích ngày càng gia tăng vì chuyến đi nghỉ với bạn gái vốn là Hoa hậu Iran tới Tehran.

Mất chức vì chuyến đi

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg thông báo Bộ trưởng Nghề cá Per Sandberg đã nộp đơn xin từ chức và lá đơn đã được chấp nhận. Theo nữ Thủ tướng Na Uy, việc từ chức của ông Sandberg là “một quyết định đúng đắn”. 

Văn phòng Thủ tướng Na Uy sau đó cũng xác nhận Hội đồng nhà nước của nước này đã tiến hành phiên họp bất thường ở Cung điện hoàng gia và chính thức phê chuẩn “những thay đổi trong Chính phủ”. Sau cuộc họp, Thủ tướng Solberg đã xuất hiện cùng với Bộ trưởng nghề cá mới Harald Tom Nesvik, cũng là thành viên của đảng Tiến bộ.

Trên thực tế, trước khi thông báo chính thức được Thủ tướng Na Uy công bố, truyền thông nước này đã đưa tin về việc ông Sandberg, 58 tuổi, một thành viên kỳ cựu của đảng Tiến bộ, sẽ sớm rời khỏi Chính phủ. Theo truyền thông Na Uy, việc từ chức của ông Sandberg diễn ra ở thời điểm ông không có lựa chọn nào khác vì những chỉ trích mạnh mẽ cho rằng ông thiếu sự phán đoán và không tính toán đến yếu tố an ninh quốc gia, do đó không đủ điều kiện để giữ chức bộ trưởng.

Các cáo buộc này xuất phát từ việc ông Sandberg bị phát hiện đã cùng với bạn gái người gốc Iran là cô Bahareh Letnes, năm nay 28 tuổi, từng là Hoa hậu Iran đã có một chuyến đi về quê hương của cô Letnes.

Những hình ảnh về chuyến nghỉ dưỡng được cả ông Sandberg và bạn gái đăng tải công khai trên mạng xã hội ngay từ khi họ vẫn còn ở Iran nhưng giới chức Iran cho rằng ông Sandberg đã vi phạm các quy định của chính phủ khi đi nghỉ dưỡng mà không báo cáo trước về điểm đến của mình. Ông Sandberg cũng bị cáo buộc đã phớt lờ các quy định về thủ tục an ninh khi mang theo điện thoại công vụ dù đã được cảnh báo về việc chiếc điện thoại này có thể bị cơ quan tình báo Iran tấn công mạng.

Thêm vào đó, trước chuyến đi, ông Sandberg cũng khiến nhiều người trong đảng Tiến bộ và Chính phủ “ngứa mắt” khi có những phát biểu về Iran đi ngược lại chính sách của Chính phủ và đảng Tiến bộ bảo thủ của ông. 

Thông tin về chuyến đi nghỉ của ông Sandberg đã trở thành tâm điểm của truyền thông Na Uy từ đầu tháng 7, buộc đơn vị tình báo của cảnh sát Na Uy PST phải vào cuộc điều tra. Khi những sóng gió mới nổi lên, ông Per Sandberg đã đăng tải tấm hình ông cùng bạn gái mới lên mạng xã hội, thậm chí mượn ngạn ngữ của người Na Uy để tuyên bố họ sẽ vẫn ở bên nhau “cho đến khi núi Dovre sập”. Song, ông đã không giữ được chức vụ của mình. 

Ông Sandberg tuyên bố họ sẽ vẫn ở bên nhau “cho đến khi núi Dovre sập”
Ông Sandberg tuyên bố họ sẽ vẫn ở bên nhau “cho đến khi núi Dovre sập” 

Tại cuộc họp của Chính phủ Na Uy trước khi thông báo từ chức của ông Sandberg được công bố, ông Sandberg không chỉ thừa nhận những sai sót trong chuyến đi Iran mà còn thừa nhận đã phớt lờ các quy định về trình tự, thủ tục an ninh trong chuyến đi tới Trung Quốc hồi mùa xuân năm 2017.

Sự phản đối của các đảng chính trị và công chúng đã đẩy Chính phủ liên minh do đảng Tiến bộ bảo thủ của Thủ tướng Solberg vào tình cảnh khó khăn và không có giải pháp nào khác ngoài việc phải “hy sinh” ông Sandberg.

Trước khi bị mất chức, ông Sandberg được nhiều người ca ngợi về những thành tích chỉ đạo trên cương vị bộ trưởng nghề cá. Trước đó, nhiều ý kiến thậm chí còn kêu gọi bổ nhiệm ông vào chức quyền bộ trưởng tư pháp sau khi đồng nghiệp của ông trong đảng là ông Sylvi Listhaug cũng từ chức hồi đầu năm. Vụ từ chức của ông Sandberg đánh dấu lần thứ 2 kể từ đầu năm nay một bộ trưởng của đảng Tiến bộ của Na Uy phải từ chức vì bị cho là có hành vi xấu hoặc thiếu óc phán đoán.

Sóng ngầm sau vụ ly hôn

Vài tháng trước những biến cố nói trên, ông Sandberg cũng đã phải trải qua một biến cố, nhưng là trong đời sống riêng tư. Cụ thể, ông đã quyết định ly hôn người vợ thứ hai của ông là bà Line Miriam Sandberg - cũng là một chính trị gia hàng đầu của đảng Tiến bộ và là Thứ trưởng Bộ y tế Na Uy. Cuộc ly hôn dù bề ngoài êm thấm nhưng bên trong được cho là lại ẩn chứa những đợt sóng ngầm. 

Trong các phát biểu từ chức, ông Sandberg chỉ thừa nhận những sai lầm của mình nhưng không nói rõ lý do. Tuy nhiên, theo tờ báo Adresseavisen của Na Uy, việc này có liên quan đến bà Line Miriam Sandberd. Theo tờ báo này, từ đầu tháng 5 vừa qua, bà Line Miriam Sandberg đã gửi thông báo cho Văn phòng Thủ tướng, theo đó cảnh báo rằng những “thế lực nước ngoài” đã tiếp cận chồng cũ của bà sau khi ông Sandberg bắt đầu qua lại với cô Bahareh Letnes.

Cô Bahareh Letnes năm nay 28 tuổi, sinh ra ở Iran, từng 3 lần bị bác đơn xin tị nạn tại Na Uy và bị trục xuất. Tuy nhiên, sau đó, Letnes đã được cấp giấy phép cư trú với lý do có nguy cơ bị cưỡng ép kết hôn nếu ở lại Iran.

Nội tình vụ việc được làm sáng tỏ hơn khi cô con gái 34 tuổi của ông Per Sandberg và người vợ đầu tiên tiết lộ rằng cha cô ban đầu dự định đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, bà Line Miriam Sandberg đã cố tình làm rò rỉ kế hoạch đi nghỉ dưỡng của ông Sandberg cho người khác. Vì không muốn bị quấy rầy nên ông Sandberg và bạn gái là cô Letnes đã quyết định tới Iran thay vì Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo con gái của ông Sandberg, ông này đã chọn không thông báo cho văn phòng thủ tướng về kế hoạch nghỉ dưỡng của mình vì sợ vợ cũ sẽ biết và và lại tung thông tin ra ngoài. Vẫn theo con gái của ông Sandberg¸ cha của cô đã quyết định mang theo điện thoại đi vì những rắc rối của gia đình đồng nghĩa với việc ông phải giữ liên lạc với những người khác. 

Vợ cũ của ông Sandberg
Vợ cũ của ông Sandberg 

“Đó là một phán đoán tồi. Ông Per Sandberg không chỉ bất cẩn hay phạm lỗi như ông ấy nói mà là ông ấy đã đặt vấn đề của gia đình ông ấy lên trên cân nhắc về an ninh quốc gia. Không một bộ  trưởng nào có thể làm như vậy”, nhà bình luận chính trị của Na Uy Kjetil B Alstadheim nhận định.

Theo ông Alstadheim, việc ly hôn của ông Sandberg là vấn đề cá nhân của ông nhưng chuyến đi của ông tới Iran đã khiến vấn đề cá nhân đó trở thành việc công. “Cuối cùng, cả ông Per Sandberg và bà Line Miriam Sandberg đã khiến Chính phủ phải gánh chịu việc làm của họ. Đảng Tiến bộ cũng bị ảnh hưởng về cuộc ly hôn của họ”, tờ báo trên nhận xét. 

Việc ông Sandberg tới Iran khi chưa được sự cho phép của Chính phủ bị khép vào việc vi phạm quy định an ninh của Na Uy do cơ quan tình báo nước này liệt Iran vào danh sách các quốc gia thường tiến hành tấn công tình báo chống lại Oslo. Còn với Đảng Tiến bộ của ông Sandberg, Đảng này vốn ủng hộ chính sách thắt chặt nhập cư và kêu gọi trục xuất những người mà đơn xin tị nạn bị từ chối đồng thời chỉ trích rất mạnh những người trở về nước sau khi đã được chấp thuận tị nạn.

Chính vì vậy nên ngay cả những người từng nhiệt thành ủng hộ ông Sandberg nhất sau khi biết tin về vụ việc cũng đã quay ra chỉ trích ông. Nhiều người cho rằng việc ông tự xin từ chức là giải pháp khôn ngoan. “Ông ấy không có lựa chọn nào khác cả”, cựu Chủ tịch đảng Tiến bộ Carl I Hagen nói. 

Ông Per Sandberg sinh năm 1960 trong một gia đình có cha là một doanh nhân nhưng vô cùng hà khắc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông Sandberg từng làm nhiều công việc khác nhau, thậm chí ông từng làm nhân viên pha chế và phục vụ tại một khu nghỉ dưỡng. 

Sự nghiệp chính trị của ông Sandberg bắt đầu vào năm 1987 một cách hết sức tình cờ. Khi đó, vì nể bạn nên ông đồng ý ghi tên tranh cử vào hội đồng địa phương và bất ngờ chiến thắng. Trong cùng năm đó, ông gia nhập đảng Tiến bộ. Năm 1997, ông này được bầu vào Quốc hội Na Uy.

Đến năm 2005, ông Sandberg được bầu làm người đứng đầu Ủy ban giao thông vận tải của Quôc hội và đến năm 2009 thì trở thành chủ tịch Ủy ban Tư pháp. Năm 2006, sự nghiệp chính trị của ông Sandberg có bước tiến lớn khi ông được bầu làm Phó Chủ tịch Đảng Tiến bộ. Ngày 16/12/2015, ông Sandberg được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nghề cá trong nội các của Thủ tướng Solberg.

Có điều, dường như chịu ảnh hưởng từ người cha của mình nên tính cách của ông Sandberd khá nóng nảy. Ngoài ra, ông cũng nhiều lần gặp rắc rối vì các hành vi không đúng mực của mình, như việc bị phạt tiền vì đấm một người tị nạn sau khi bị người này gọi ông là “gã mập da trắng trọc phú”, kẻ phân biệt chủng tộc hay bị phạt tiền, bị treo bằng lái vì lái xe quá tốc độ. Tháng 12/2000, ông này cũng bị chỉ trích vì bị phát hiện tới phát biểu tại Quốc hội trong tình trạng say rượu.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.