Vì đây là kì thi của các thí sinh có học lực tốt hoặc chỉ để thử sức với các môn chuyên nên không quá “nóng” như kì thi vào trường công của Hà Nội ngày 7/6…
Buổi sáng, các thí sinh thi chuyên thực hiện bài thi môn ngoại ngữ. Buổi chiều, các sĩ tử tiếp tục với các môn thi chuyên là Ngữ văn, Toán, Sinh học. Sáng 9/6, các em sẽ thực hiện thi các môn chuyên còn lại là Vật lý, Lịch sử, Địa lý…
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có 2.975 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 1.000 em so với năm trước, trong khi chỉ tiêu là 525. Như vậy, để trở thành học sinh lớp 10 của trường năm học 2018-2019, mỗi thí sinh sẽ phải thi đấu với 5,6 bạn khác.Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam với chỉ tiêu tuyển sinh 655 em, số lượng học sinh đăng ký năm nay là 2.500 em. Trường THPT Chu Văn An có 2.535 thí sinh đăng ký dự thi với chỉ tiêu tuyển vào hệ chuyên là 350.
Học sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên của Sở GD-ĐT Hà Nội phải xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học các lớp THCS, tốt nghiệp THCS từ khá trở lên. Sau khi vượt qua vòng sơ tuyển xét học bạ, thành tích ở các cuộc thi, sĩ tử phải tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT chung của toàn thành phố và thi chuyên. Điểm xét tuyển của thí sinh là tổng của điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) và điểm bài thi chuyên (hệ số 2). Những thí sinh dự thi đầy đủ bài, không vi phạm quy chế đến mức hủy kết quả thi, điểm các bài đều lớn hơn 2, sẽ được vào vòng xét tuyển. Căn cứ điểm xét tuyển, nhà trường sẽ lấy học sinh trúng tuyển theo điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
Nhiều thí sinh cho biết, vào trường chuyên là mơ ước, ý nghĩa lớn của cuộc đời. Điều dễ hiểu, trong môi trường này các em có điều kiện học tốt hơn, tìm kiếm học bổng để khi tốt nghiệp THPT sẽ đi du học nước ngoài dễ dàng hơn. Nhiều thí sinh đặt kì vọng vào các trường chuyên khi đăng kí trên 10 nguyện vọng để tham gia tất cả các trường chuyên, khối chuyên. Một phụ huynh chia sẻ: “Giờ thi vừa bắt đầu, cô đã bắt gặp đâu đó trên mạng những câu “Con bảo sẽ nhục lắm và không dám ra khỏi nhà nếu thi trượt trường chuyên”, “Nếu thi trượt thì em không biết làm thế nào nữa”…
Tuy nhiên, cũng có không ít phụ huynh cho rằng, việc để con thi chuyên là giúp con biết sức mình ở đâu, không đặt quá nhiều áp lực và vì các con đã hoàn thành xong hai môn thi Ngữ văn và Toán ở kỳ thi THPT công lập vào ngày 7/6.
Theo quan điểm của một phụ huynh thì kỳ thi này căng thẳng, nhưng nó chỉ là một trong vô vàn kỳ thi các em đã/đang/sẽ trải qua trong cuộc đời. Nó là một ngưỡng cửa lựa chọn, nhưng không bao giờ là lựa chọn duy nhất. Không phải cái gì cũng được như ta mong muốn, không phải lúc nào ta cũng thành công dù ở những việc đơn giản trong tầm tay, không phải thách thức nào cũng có thể vượt qua được. Điều quan trọng là sau khi buồn rầu tiếc nuối là làm gì tiếp theo: học trường khác, tìm cơ hội khác...