Hầu hết những người mới nhiễm HIV, hay chung sống với căn bệnh này đã nhiều năm đều chọn cuộc sống ẩn dật. Càng ít người biết mình mang bệnh càng tốt. Bởi, có người nào đó hỏi mình bị AIDS, kèm theo ánh mắt săm soi lạ lẫm, khiến họ thêm sợ hãi cuộc sống tối tăm kể từ khi họ biết kết quả xét nghiệm máu dương tính với HIV.
Khó khăn
Người nhiễm HIV rất cần sự chia sẻ của toàn xã hội trong cuộc sống. TRONG ẢNH: Sinh viên hưởng ứng hỗ trợ, giảm kỳ thị với người có HIV.
|
Tiếp xúc trên 10 trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn thành phố, điều chúng tôi cảm nhận là hầu hết họ đều không muốn nói về lai lịch, tên tuổi, nơi mình ở, việc đang làm… vì những điều đó một khi được tiết lộ khiến cuộc sống họ khó khăn hơn trong quan hệ, nhất là mưu sinh kiếm sống. Khi đi ra đường, điều họ ngại nhất là tiếp xúc với người xung quanh.
Ông V., người nhiễm HIV hơn 5 năm nay, sống bằng nghề bán bánh bột lọc dạo trên đường, tâm sự cay đắng: Khách hàng thấy mình tiều tụy, mệt mỏi vì cơ thể yếu nên thường hỏi đau bệnh gì? Tôi cứ qua loa do “trở trời” nên cảm lạnh. Tôi biết đôi khi người khác quan tâm mình một cách chân thành, nhưng không dám hó hé là mình bị nhiễm HIV. Bởi sự thật phơi bày, đồng nghĩa sẽ không còn ai dám mua bánh bột lọc do chính tay mình làm để ăn.
Những người có HIV không việc làm, túng tiền, loay hoay trong những ngôi nhà tăm tối có cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn tứ bề. Ông L. đang làm bảo vệ cho một cơ quan gần chục năm, nhưng đùng một cái, ông phải nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực của những người hằng ngày tiếp xúc với mình. Họ nhìn ông với ánh mắt khó chịu, vì biết ông nhiễm HIV. Còn chị L., đang làm công nhân một nhà máy dệt may thuộc loại có tiếng ở Đà Nẵng cũng phải bỏ việc giữa chừng vì sợ bị người khác xa lánh.
Túng quẫn, những vật dụng gia đình như ti-vi, tủ lạnh, xe máy... trước kia đã sắm sửa, nay phải bán đi để trang trải bữa ăn hằng ngày. Thậm chí, nhiều người có HIV thường xuyên tìm tới Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố để xin tiền... ăn cơm.
Nơi tìm lại “Niềm tin”
Ra đời từ năm 2007, có thể nói CLB Niềm tin do Hội kế hoạch hóa gia đình thành phố sáng lập là CLB đầu tiên quy tụ người có HIV trên địa bàn thành phố. Sinh hoạt của CLB này ít khi bị gián đoạn. Bác sĩ Lê Thị Phước, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố - người có ý tưởng quy tụ một nơi sinh hoạt tinh thần, động viên người không may nhiễm HIV sống yêu đời, lạc quan hơn, cho biết: Dù trời nắng hay mưa, mỗi tháng những người nhiễm HIV và các cán bộ Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố chọn một quán cà-phê để họp. Có khi là hội trường chật hẹp của cơ quan Hội. Nói là họp cho oai, chứ thật ra là để nghe tình hình sức khỏe của những thành viên trong CLB. Rất nhiều người trong số gần 20 thành viên CLB Niềm tin bị nhiễm HIV đã trên 10 năm, nên tình hình sức khỏe của họ cũng yếu dần, hay đau ốm. Do vậy, những buổi sinh hoạt như thế thường được những bác sĩ, hộ lý của Hội lắng nghe tâm sự người có HIV nhằm tư vấn, chia sẻ để người bệnh đến Bệnh viện Da liễu thành phố điều trị.
Bác sĩ Phước cho biết, hơn 3 năm thành lập CLB Niềm tin, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về tài chính và con người nhưng Hội đã nỗ lực chia sẻ với những người nhiễm HIV, giúp họ vượt qua những khó khăn về tinh thần, nhiều người cho rằng, khi nhiễm HIV thì phía trước cuộc đời họ là dấu chấm hết, trong cuộc sống có khi họ không giữ cho mình, giữ cho những người xung quanh.
Ông T., người già nhất, cũng là người thủ lĩnh tinh thần của CLB bởi ông đã bình thản sống chung với căn bệnh HIV. Trên 20 năm nhiễm HIV trong người, ngoài những hôm trái gió trở trời khiến ông cảm lạnh, còn lại ông T. luôn khỏe mạnh. Cuộc vui nào của những người có HIV, ông cũng đều tham gia tích cực, nhiệt tình nhất.
Với ông T., từ khi gắn bó với CLB Niềm tin, ông đã tìm lại niềm tin cho chính mình. Nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình ông vẫn ấm áp tình người, đầy ắp sự sẻ chia cả vật chất, tinh thần.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG