Mang trên mình những di chứng tàn khốc của chiến tranh, không đầu hàng số phận, Phạm Thế Minh nỗ lực vươn lên tự học tập, rèn luyện trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh, là Giám đốc Trung tâm tin học - ngoại ngữ Ánh Dương (huyện An Dương). Với trách nhiệm cộng đồng cao cả, anh trở thành một trong những người đấu tranh không mệt mỏi trong hành trình đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam-điôxin (NNCĐDC)Việt
Khát vọng tuổi trẻ
Khuôn mặt hiền với cặp kính cận, dáng người không lẫn đi đâu được với đôi chân tật nguyền - di chứng tàn khốc của chiến tranh, ở Phạm Thế Minh luôn toát lên một nghị lực, một khát khao cống hiến của tuổi trẻ. Nhìn gương mặt thư sinh trắng trẻo không gợi chút u buồn, nhiều người nghĩ: phải chăng anh không hề vất vả ngoại trừ dị tật nơi chân? Nhưng không, cuộc đời anh truân chuyên hơn thế nhiều. Bố mẹ Minh đều là bộ đội, mỗi khi có lệnh điều động là cả gia đình anh phải di chuyển theo. Từng bước chân hành quân của bố mẹ đã đưa cậu bé tật nguyền tới nhiều nơi như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Năm 1985, Minh theo bố mẹ về định cư tại xã An Hưng, huyện An Dương.
Không có đôi chân lành lặn, nhưng Minh có một “đôi chân” khác, đó là đôi chân của bố. Không thể tự đi xe đạp, xe máy nên hàng ngày việc đi lại của Minh gắn liền với từng vòng quay xe đạp của bố. Thương bố, biết bố đặt nhiều hy vọng vào mình, Minh càng cố gắng học tập. Những ngày miệt mài bên sách vở đã giúp Minh luôn đứng trong tốp đầu của lớp học. Từ nhỏ, Minh đã đam mê học ngoại ngữ. Năm học lớp 10, Phạm Thế Minh đoạt giải ba môn tiếng Nga trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Phấn đấu không biết mệt mỏi với việc theo học các khóa đào tạo chứng chỉ tiếng Anh, rồi thi vào hệ tại chức Đại học Quốc gia (lớp học được mở tại Trung tâm ngoại ngữ Hải Phòng). Vốn thông minh, học giỏi, chỉ 1 năm sau, Minh được Trung tâm ngoại ngữ huyện An Dương mời về dạy tiếng Anh. Tiếng lành đồn xa, hàng nghìn lượt học sinh ở huyện An Dương theo học các khóa ôn thi đại học, bổ túc kiến thức ở lớp thầy Minh. Năm 2009, Phạm Thế Minh mạnh dạn vay 50 triệu đồng của gia đình, bạn bè lập một cơ sở riêng đặt tên là Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ Hướng Dương.
Từ khi thành lập đến nay, thời gian hoạt động chưa lâu nhưng trung tâm đã đào tạo được gần 1.000 học viên với các lĩnh vực như: ngoại ngữ, tin học văn phòng, đồ họa, photoshop. Phạm Thế Minh trực tiếp đào tạo 61 người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, giúp họ tìm được việc làm ở khu công nghiệp, ổn định cuộc sống với mức lương khá. Hiện Minh là Chủ tịch Công đoàn HTX Người tàn tật tự lực huyện An Dương, là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Hành trình đòi công lý
Khi Đại hội thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi tại thành phố Hải Phòng, Phạm Thế Minh đang ở nước Mỹ xa xôi trong hành trình đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Phạm Thế Minh “xuất ngoại” để đấu tranh đòi công lý đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân tiến bộ Mỹ đối với các NNCĐDC Việt Nam.
Cách đây 1 năm, từ ngày 15 đến 16-5-2009, Minh cùng 15 nhân chứng đại diện cho 3 miền đất nước bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin tham dự Toà án Lương tâm nhân dân quốc tế tổ chức tại thủ đô Pari (Cộng hòa Pháp). Tại phiên toà đầy tính nhân văn đó, trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế, chàng trai Phạm Thế Minh tự tin nói về hậu quả thảm khốc và nỗi đau của những nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin ở Việt Nam bằng tiếng Anh trước sự ngỡ ngàng và khâm phục của những người tham dự. Từ ngày 14-4 tới ngày 17-5-2010, Phạm Thế Minh cùng đoàn đại diện hành trình tới 17 bang của nước Mỹ trong nỗ lực không biết mệt mỏi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt
Từ nước Mỹ xa xôi, thông qua thư điện tử (email), Phạm Thế Minh chia sẻ: “Đoàn chúng tôi sang Mỹ theo lời mời của Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với NNCĐDC Việt Nam và Hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ. Trong thời gian ở đây, chúng tôi tiếp xúc với học giả, sinh viên, kiều bào ta để thông báo tình hình về NNCĐDC Việt Nam, tìm hiểu về tình hình NNCĐDC Mỹ và cuộc đấu tranh đòi công lý của họ. Tại đây, chúng tôi cùng những người bạn Mỹ kề vai, sát cánh trong cuộc đấu tranh chung đòi công lý. Tất cả đều tràn đầy niềm tin rằng cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ thắng lợi toàn diện”. Với Minh, cuộc sống là không ngừng phấn đấu.
Một chàng trai tật nguyền, không những có thể tự lo được cuộc sống của mình, mà còn giúp đỡ hàng nghìn người khác lập thân, lập nghiệp, cống hiến không biết mệt mỏi trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho các NNCĐDC Việt
Việt Hòa