Anh hùng người Cơ tu
Ghé thăm ông Alăng Bhuốch (SN 1931, ở thôn Aruung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) vào một sáng đông, gian nhà của người anh hùng mái tôn chắp vá, bốn phía lợp nứa mỏng manh. Nghe nhà có khách, ông đang nằm trong mái chòi trước nhà ngồi nhổm dậy đón.
Ngay gian chính giữa ngôi nhà, ông Alăng Bhuốch treo tấm bằng công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hai bên có hai tấm hình Bác Hồ. Trên tấm bằng ghi rõ ông Alăng Bhuốch “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc chống Mỹ, cứu nước”, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 26/7/2012.
Câu chuyện danh hiệu Anh hùng của vợ chồng ông vừa vui vừa giản dị. Ông Alăng Bhuốch thân mật xưng “bố” và tâm sự: “Giờ bố đã vui hơn rất nhiều rồi. Bố rất mừng vì Đảng, Nhà nước đã xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng cho bố”.
Ngồi cạnh chồng, bà Ta Rương Thị Tình, vợ cả của ông Alăng Bhuốch, cho biết: “Ông ấy thường bảo không xem nặng việc phong tặng danh hiệu đâu. Nhưng qua đó, ông ấy biết rằng những đóng góp, hy sinh trong kháng chiến vẫn được ghi nhớ. Từ ngày có danh hiệu ấy, ông ăn nhiều, ngủ nhiều và cười nói cũng nhiều lắm”.
Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Alăng Bhuốch vẫn nhớ như in những ngày trong quá khứ. Ông sinh ra tại xã A Vương (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), bố mất sớm, ông sống cùng amế (tiếng của đồng bào Cơ tu gọi mẹ) và 3 em gái trong một căn lều nhỏ.
“Bố chỉ mong được xây một ngôi nhà khang trang hơn”, Anh hùng Alăng Bhuốch. |
Lúc 6 tuổi, căn bệnh sởi đã cướp đi đôi mắt của ông. Không cam chịu cảnh sống mù lòa ngồi một chỗ, khi mẹ đi rẫy hay vào rừng đốn củi, ông đều xin theo. Lớn lên một chút ông lại tập tành ra suối gùi nước, lên nương gùi sắn, gùi bắp...
Nhưng do đôi mắt không nhìn thấy nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Nhiều lần ông té nhào xuống suối, trầy tróc hết da thịt nhưng vẫn không nản lòng. Sau những đó, ông tự làm cho mình chiếc gậy tre là công cụ dẫn đường để mỗi khi đi gùi nước hay tìm củi sẽ không bị vấp ngã nữa.
Người dân công mù lập kỷ lục
Năm 1958, trai tráng trong bản đua nhau lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của cách mạng. Alăng Bhuốch khi đó cũng đến xã đăng ký tình nguyện tòng quân. Khi mới gặp ông, ai cũng e ngại đôi mắt mù lòa nhưng vì ông thể hiện nhiệt huyết rất lớn nên cũng được cho “thử việc”. Ban đầu, Alăng Bhuốch được giao nhiệm vụ giúp đồng đội đưa gùi lên vai, rồi dần dần ông được “nâng” lên nhiệm vụ gùi hàng đi tiếp tế cho tiền tuyến.
Sau nhiều năm trời ròng rã gùi lương thực, năm 1963, ông được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược từ kho ở A Đớt lên các trạm ở A Tiêng rồi Truy Mưng, Sai Da... liên tục trong hơn 12 tháng trời. Lúc bấy giờ dù chỉ cân nặng gần 50kg nhưng ông đã cõng trên lưng những thùng súng, đạn nặng từ 70 – 100kg.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian ông tải đạn là một lần trên đường đi, ông bị bom hất xuống hố, đất đá phủ kín người, cả đơn vị chia nhau đi đào bới tìm xác... Mọi người đều ngỡ ông đã hy sinh, nhưng vài ngày sau ông tự thoát được hố sâu, tìm về đơn vị.
Với thành tích phi thường đó, năm 1968, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và được đi báo cáo thành tích điển hình ở chiến khu miền Tây Quảng - Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ). Trở về đơn vị, ông càng hăng hái hơn trong công tác tải đạn được giao.
Đến năm 1971, ông lại nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí tiếp tế từ Kho 31 - Trung đoàn Binh Sơn (đóng ở khe A Pơơ, xã Hùng Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) về các căn cứ ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam cho đến ngày đất nước giải phóng.
Với những thành tích đạt được, ông đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất… Và mới đây, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Người dân công Trường Sơn bị mù tải vũ khí, lương thực có tổng số lượng lớn nhất”.
Hạnh phúc với hai người vợ
Cuộc trò chuyện đang diễn ra, có chàng trai Cơ tu đi lại trước sân. Khi được hỏi, bà Tình bảo đó là con ông, chứ không phải... con bà! Bà Tình cũng xưng “mẹ” với khách và kể: “Đó là thằng Nuôi, con ông Bhuốch với bà vợ sau. Mẹ và ông Bhuốch cưới nhau đã lâu nhưng không có con. Vậy là năm 1981 mẹ làm bà mai đi lấy vợ hai cho ông Bhuốch”.
Người vợ hai của ông Bhuốch do bà Tình lấy về là bà Bling Ta Tít (SN 1950). Bà Tít từng có một đời chồng, nhưng người này đã qua đời trước đó. Khi nghe bà Tình nhờ người ngỏ ý lấy về làm vợ hai cho ông Bhuốch, bà Tít đã đồng ý.
“Mẹ làm vợ mà không có khả năng sinh con được thì phải lấy vợ cho ông Bhuốch thôi, chứ đâu trách ai được. Nếu không lấy vợ mới để sinh con đẻ cái cho ổng thì ổng tuyệt tự à. Nhà ông Bhuốch có mình ổng là con trai mà”, bà Tình chia sẻ.
Một trong hai người vợ của Bhuốch |
Ông Bhuốch ngồi bên nói xen vào: “Bố rất biết ơn và thương bà Tình lắm vì đã lấy vợ cho bố để có con trai nối dõi. Từ ngày bà Tít về làm vợ hai của bố, bà Tình chưa nói nặng câu nào. Hai chị em bà rất đoàn kết với nhau. Bố rất mừng vì điều đó”.
Sau khi về làm vợ hai của ông Alăng Bhuốch, bà Tít đã sinh cho ông được 2 người con. Con trai tên là Alăng Nuôi (SN 1983), con gái là Alăng Nước (SN 1985). Nuôi đã có gia đình và đang sống ở sát nhà vợ chồng ông Bhuốch. Còn Nước thì đã theo chồng về quê ở Thanh Hóa. Người con trai cho biết bà Tít đi đám tang người quen trong thôn từ sáng chưa về.
Alăng Bhuốch nói cuộc sống gia đình thuận hòa với hai người vợ và các con trai, con gái chính là hạnh phúc lớn nhất của ông. Đã đi gần hết cuộc đời, Bhuốch chỉ còn một nguyện vọng, ngần ngại mãi, ông mới chia sẻ: “Bố giờ cũng gần đất xa trời rồi. Chỉ mong sao Nhà nước giúp xây cho cái nhà để khi bố có nhắm mắt, thì 2 người vợ của bố cũng có chỗ đàng hoàng để ở, chứ ngôi nhà này xập xệ lắm rồi”.