Ngày "định mệnh" của tiểu thư phố cổ thất lạc gia đình
Nội dung xoay quanh về hoàn cảnh cuộc đời bà Triệu Lệ Cần (62 tuổi), thực chất được trích từ chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" số 23, được phát sóng hồi tháng 10/2009.
Bà Triệu Lệ Cần mới trở về quê nhà ở xã Hoà Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội sau hơn 2 năm ở Canada bên gia đình. Ảnh: Gia Khiêm
Đã có không ít luồng thông tin trái chiều cho rằng bà Cần "từ một tiểu thư phố cổ bị bắt cóc, không được nuôi nấng tử tế, không được đi học, rồi trở thành bần nông". Người khác lại tung tin đồn, "bà Cần vốn là tiểu thư Hà Nội bị bắt cóc mang về quê sống khổ sở, đến lúc bố mẹ nuôi sinh con thì hắt hủi bà, chịu một đời cơ cực"… Nhiều người bày tỏ sự thương cảm với bà Cần kèm sự chỉ trích nặng nề bố mẹ nuôi của bà.
Để tìm hiểu câu chuyện, ngày 14/4, PV Dân Việt đã tìm về làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Cũng tại đây tình cờ, "bé" Cần đi lạc 46 năm trong câu chuyện năm xưa mới trở về từ Canada dịp đầu tháng vừa qua.
Hình ảnh Lệ Cần lúc nhỏ trước khi thất lạc gia đình. Ảnh: NVCC
Câu chuyện quá khứ bắt đầu hiện hữu trong tâm trí bà Cần. Theo đó, ngày 18/12/1963, cô bé Cần lúc bấy giờ 3 tuổi được cha là ông Triệu Đạt Quang mặc cho bộ quần áo mới, khoác thêm chiếc áo ấm đứng trước cửa nhà ở số 34 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để đợi mẹ về dẫn đi chụp hình.
Trong một phút giây, ông Quang lạc mất con gái, cho rằng vì đợi mẹ quá lâu mà cô bé sốt ruột đi ngược lên tiệm làm tóc của mẹ cách đó 500m.
Hôm đó, tiệm đông khách, bà Nguyễn Kim Phượng làm về muộn. Thấy bà về một mình vì con gái không chạy lên quán, cả nhà hốt hoảng chạy đi tìm khắp, rồi báo công an.
Chuyện con gái mất tích quá bất ngờ khiến vợ chồng ông Quang bà Phượng đau đớn, dằn vặt đầy xót xa. Mỗi lần ngồi bên mâm cơm, cả hai vợ chồng chảy nước mắt khi nhớ lại hình ảnh tíu tít của con gái khi nào.
Bức ảnh của bà Cần khi nhỏ được treo trang trọng ở nhà, bên cạnh các thành viên khác. Ảnh: Gia Khiêm
Ông Quang tạm gác công việc, cứ có tiền là mang đi tìm con. Ông như người mất hồn, lang thang khắp các bến xe, thấy chiếc nào trống thì chui lên đó để tìm con trong vô thức.
Khi đó, bà Nguyễn Thị Oong (người làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) trong một lần đi bán lược sừng tại chợ Đồng Xuân, đã gặp cô bé Triệu Lệ Cần. Bà Oong kể, thấy bé gái trắng trẻo, xinh xắn, mái tóc ngắn, mặc áo xanh với quần yếm đang đứng khóc bên bờ hồ Hoàn Kiếm một lúc lâu mà không ai đưa về, nên đã dẫn đứa bé về nhà trên chuyến xe cuối cùng của ngày về huyện Thường Tín.
Đến nhà mới, cô bé Cần nhận thức được đây không phải nhà mình. Cần sợ và khóc, liên tục gọi tên "bố mẹ". "Khi về sống với bố Đoành mẹ Oong, tôi khóc lớn vì chưa quen. Nhưng trẻ con mà, bị cuốn theo những đứa trẻ trong xóm, rồi cũng thích nghi với cuộc sống mới", bà Cần kể.
Bà Triệu Lệ Cần năm 1980 và 1997. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly
Bố mẹ nuôi đặt cho bà Cần tên mới là Nguyễn Thị Thủy. Ông Nguyễn Văn Đoành, bố nuôi, nói rằng thời gian đầu, hai vợ chồng thường ngóng trên đài xem có ai đăng tin tìm con thất lạc không, nhưng không thấy.
Vợ chồng ông Đoành khi đó đã kết hôn gần 20 năm nhưng không có con. Ngày đưa bé gái 3 tuổi về nhà, ông bà xem Cần như con đẻ, yêu thương hết mực. Trước thông tin cho rằng mình bị bắt cóc về nuôi, bà Cần khẳng định mình đi lạc ra phố, được bà Oong dẫn về nuôi dưỡng và chăm sóc đủ đầy.
Đến năm 1970, sau khi sinh một bé trai, bà Oong bị liệt người suốt hai năm. Do hoàn cảnh, bà buộc phải cho bé Cần thôi đến trường khi vừa học hết lớp 4, ở nhà phụ mẹ chăm em. 5 năm sau, người mẹ tiếp tục sinh con trai thứ hai.
Năm 19 tuổi, cô bé Cần ngày nào đến tuổi kết hôn, chuyển về nhà chồng sinh sống. Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Cần đưa con gái đến sống ở mảnh đất công xã cấp cho.
"Mọi người bảo tôi bị bố mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà, nương nhờ hàng xóm chăm sóc, rồi sống trong căn nhà hoang. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Con gái lấy chồng phải theo chồng, ra ngoài ở riêng. Năm 2002, tôi tự xây nhà mới, vẫn được anh em họ hàng giúp sức", bà Cần nhớ lại.
Cuộc trùng phùng với gia đình trong nước mắt của tiểu thư phố cổ một thời
Về phần gia đình ông Triệu Đạt Quang sau này sang Canada định cư, nhưng vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ con gái nhỏ. Mỗi năm, đôi vợ chồng đều đặn về Việt Nam, trở lại căn nhà cũ số 34 Hàng Buồm, vừa thăm bà con, vừa tìm kiếm Cần.
Hình ảnh Triệu Lệ Cần ôm cha mẹ trong ngày được trùng phùng. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly
Bà Nguyễn Kim Phượng bật khóc trong vòng tay con gái. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly
Ông Triệu Trọng Lễ (em trai ruột bà Cần) đã đăng ký tìm nhân thân trên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Bức ảnh chụp cô bé Cần, được cắt ra từ tấm ảnh chụp chung với mẹ. Đó cũng là thứ kỷ vật duy nhất còn sót lại để gia đình có căn cứ tìm Cần.
Năm đó, bà Nguyễn Thị Lệ, hàng xóm bà Cần, vô tình xem được đoạn thông tin của chương trình, thốt lên "Ôi sao giống cô Thủy (Cần) thế". Nhận tin, bà Cần bật ti vi, xem lại chương trình, ngờ ngợ về gốc gác của bản thân.
Bà Lệ đã nhờ chị dâu liên lạc với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Các thông tin liên tục trùng khớp, đặc biệt là bí mật về vết sẹo nơi cổ chân trong một lần bé Cần được cha chở đi bằng xe đạp không may mắc vào nan hoa bị xước lớn. Chương trình cũng xin mẫu tóc của bà để làm xét nghiệm ADN.
Ông Triệu Đạt Quang bật khóc ôm con gái thất lạc suốt 46 năm vào lòng. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly
Tháng 9/2009, bà Cần và con gái liên tục ra vào Sài Gòn, làm việc với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Bà Cần bước vào trường quay trong bộ áo mới, bước ra từ ô cửa đặc biệt để trở về với gia đình. Ngỡ cũng ô cửa xưa ấy mà bà bước chân ra ngoài và đi lạc, giờ đây lại được mở ra để đón bà trở về.
Nhìn thấy con gái thất lạc năm nào, vợ chồng ông Quang oà óc, cả gia đình ôm chầm lấy người con, người em, người chị. Sau những tiếng khóc, câu đầu tiên bà thốt lên lời "Con nhớ mẹ". Nỗi nhớ dài đằng đẵng, không nguôi thấm thoát thoi đưa đã 46 năm…
Bà Cần cho biết thêm, giờ bà có hai gia đình để về, sống vui vẻ an yên tuổi già. Dù giàu hay nghèo, bà đều hạnh phúc, chỉ mong các anh em sống hòa thuận. Ảnh: Gia Khiêm
"Tôi bất ngờ và xúc động, không diễn đạt được trọn vẹn cảm xúc. Bao nhiêu năm không gặp, muốn xem bố mẹ đẻ và anh chị em sống như thế nào", bà Cần bản thân không tiếc nuối vì số phận đã an bài. Sinh ra là con của bố Quang mẹ Phượng, sống làm con của bố Đoành mẹ Oong, bà đều chấp nhận.
Sau khi nhận lại gia đình, bà Cần đổi tên và giấy khai sinh từ Nguyễn Thị Thủy sang Triệu Lệ Cần. Con gái Nguyễn Thị Lệ Quyên (sinh năm 1994), cũng được đổi cái tên mới là Triệu Tú Quyên.
Ông Quang ngỏ ý đón mẹ con Cần qua Canada sinh sống nhưng bà không đồng ý. Phần vì giấy tờ thủ tục rất rắc rối, phần khác đã quen cuộc sống ở Việt Nam. Để thỏa nỗi nhớ mong con gái, từ đó, hàng năm, vợ chồng ông Quang đều đặn về Việt Nam từ tầm tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
"Tôi bảo với bố mẹ, nếu sang Canada chơi thì được, nhưng để sống thì không. Các anh chị em ruột - mỗi người đều có gia đình riêng ở Canada, tôi không muốn nhờ vả, tá túc người nọ người kia", bà Cần cho hay.
Hơn 1 năm sau chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, bố nuôi bà Cần qua đời vì bệnh tật. Mãi đến năm 2017, lần đầu tiên bà sang Canada theo dạng visa du lịch 1 năm, chính thức đoàn tụ với gia đình.
Năm 2019, bà Cần tiếp tục sang Canada một vài tháng. Khi mới về Việt Nam, bà nhận tin mẹ đẻ qua đời, lại đặt vé qua chịu tang. Từ đó đến tháng 4/2022, bà bị "mắc kẹt" tại Canada hơn 2 năm do dịch COVID-19, không thể về dự đám tang của mẹ nuôi hồi tháng 6 năm ngoái.
Bà Cần đau đớn không thể về Việt Nam nhìn mặt bà Oong lần cuối, chỉ ra mộ thắp cho mẹ nuôi vài nén hương. "Tôi rất buồn vì bố nuôi, hai người mẹ đều mất, chỉ còn lại bố Quang.
Hai bên gia đình chung sống rất hòa hợp, không hề oán trách nhau. Tôi vẫn luôn tôn trọng bố mẹ nuôi và chung sống tốt đẹp với hai em trai nuôi. Không phải tìm thấy được bố mẹ đẻ, là ngay lập tức lãng quên những người chung sống hàng chục năm qua với mình", bà Cần suy tư.
Về thông tin tại sao bố mẹ nuôi không trình báo công an khi nhặt được mình, bà Cần lý giải có thể do ông bà hiếm muộn, khát khao có con nên nhanh chóng mang mình về nuôi.
Bà cho biết thêm, giờ bà có hai gia đình để về, sống vui vẻ an yên tuổi già. Dù giàu hay nghèo, bà đều hạnh phúc, chỉ mong các anh em sống hòa thuận. "Cuối đời nhận lại được bố mẹ đẻ, tôi mãn nguyện lắm rồi", bà nói.