1. Quan Hồng, Vương Hạc Đệ, Ngô Hy Trạch, Lương Tịnh Khang là 4 diễn viên trẻ được lựa chọn cho bộ phim Vườn Sao Băng, phiên bản năm 2018 của Trung Quốc. Nước da trắng và khuôn mặt có nét mềm mại khiến "F4 mới" có nhiều nét tương đồng với bộ tứ đã đóng bộ phim phiên bản Hàn Quốc hơn là các thế hệ F4 của Đài Loan hay Trung Quốc trước đây.
Thế hệ những chàng trai "thần tượng" được yêu thích trong làng giải trí Trung Quốc gần đây cũng thường được nhận xét là trông giống đồng nghiệp của họ tại Hàn Quốc, Nhật Bản hơn là những thế hệ "ngôi sao" thời xưa của Trung Quốc.
Họ thậm chí dẫn đầu cho sự hình thành của xu hướng Tinh trư nam, tức những chàng trai dành nhiều thời gian và công sức vào quy trình chăm sóc da và trang điểm phức tạp, thách thức quan niệm truyền thống về sự "nam tính". Cuộc tranh luận còn được đẩy lên sau khi vì một chàng trai 25 tuổi ở Hàng Châu được cho đã tiêu đến 30.000 nhân dân tệ (tương đương 4.380 USD) mỗi năm và 30 phút mỗi ngày cho việc chăm sóc da và làm đẹp.
Những ngôi sao như Lộc Hàm (trong ảnh) giờ trở thành chuẩn mực của cái đẹp trong quan niệm một số người |
Nhiều thanh thiếu niên giàu có thuộc thế hệ "thiên niên kỷ" của Trung Quốc đang chạy theo kiểu ngoại hình này: những làn da mịn như sứ, mọng nước cùng những đường nét mảnh khảnh, thanh tú.
Những người truyền thống, hoàn toàn có thể đoán được, sẽ tỏ ra phiền lòng trước xu hướng này. Thậm chí, hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã gần đây đã gọi những chàng trai như thế là "chị gái".
Hãng thông tấn miêu tả sự nổi tiếng của việc "trông như những chị gái" là một thứ "văn hóa yếu đuối" có "tác động tiêu cực không thể tính được" đối với thế hệ trẻ.
Thái độ của Tân Hoa xã đã kéo theo sự phản ứng từ nhiều nhóm hoạt động nữ quyền, những người kêu gọi quyền tự do của nam giới, và mọi người, được lựa chọn những kiểu nam tính khác nhau.
Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chỉ trích nặng nề cách dùng từ của Tân Hoa xã và tuyên bố rằng "xã hội hiện đại nên mở rộng khung chuẩn mực thẩm mỹ", "đem lại nhiều cách sống khác biệt" và "nhiều khía cạnh của sự nam tính".
Nhân Dân Nhật báo còn chỉ trích rằng việc dùng từ "chị gái" là sự thiếu tôn trọng lựa chọn cá nhân và không giúp ích gì cho việc xây dựng một xã hội bao trùm.
Trong lúc bảo vệ cho lựa chọn của người nổi tiếng đối với ngoại hình của họ, tờ báo đảng của Trung Quốc cũng nói rằng dù thế nào, nghệ sĩ cũng nên vạch ra những hình mẫu "tươi sáng và tích cực" cho công chúng.
"(Là người của công chúng và có ảnh hưởng lên giới trẻ) họ nên giữ gìn bản thân với một chuẩn mực đạo đức cao... thiết lập một hình mẫu khỏe mạnh, tươi sáng, tích cực và mạnh mẽ cho thanh thiếu niên, thay vì chỉ là một thần tượng không có chiều sâu", Nhân Dân Nhật báo viết.
2. Cuộc tranh cãi trên mạng xã hội tại Trung Quốc vẫn diễn ra gay gắt, một số người thậm chí đi xa đến mức gọi xu hướng này là "cuộc khủng hoảng của tính nam" và xem đây là sự phản ứng lại của việc Trung Quốc nhiều năm mất cân bằng giới tính, nam đông nữ ít do chính sách một con.
Theo một quan điểm, đứng sau và cổ xúy cho trào lưu này không chỉ là các hãng mỹ phẩm, thời trang mà cả những người có tư tưởng bình quyền và chú trọng đến mong muốn của nữ giới.
"Họ theo đuổi trào lưu mới về vẻ đẹp của người đàn ông, thứ vẻ đẹp được những cô gái thế hệ thiên niên kỷ ưa chuộng", Matthieu Rochette-Schneider, giám đốc khu vực Trung Quốc của hãng mỹ phẩm Pháp Centdegres, nói. "Đó đã trở thành chuẩn mực đẹp mới cho đàn ông Trung Quốc".
Lan Haoyi, một blogger chuyên về làm đẹp, là một trong những người dẫn đầu xu hướng đàn ông sử dụng mỹ phẩm và trang điểm |
Giáo sư Geng Song, người chuyên nghiên cứu về tính nam trong xã hội Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, cũng đồng ý.
Theo ông, khi địa vị xã hội và kinh tế của người phụ nữ được nâng lên, "gu của họ và mong ước về sự nam tính cũng trở nên quan trọng hơn". Những chương trình truyền hình với sự tham gia của các "ngôi sao" mang vẻ đẹp nữ tính đã kéo theo một lượng lớn khán giả nữ, cũng là đối tượng khán giả truyền hình chính tại Trung Quốc.
"Tôi nghĩ việc này cho thấy sức mạnh tiêu dùng của phụ nữ, nó gây ảnh hưởng đến cách nhìn về một hình mẫu nam tính lý tưởng ngày nay", ông nói.
Từ đó, người đàn ông cảm thấy áp lực hơn phải chăm sóc diện mạo bề ngoài và xem nó là một "tài sản xã hội" của mình, điều mà phụ nữ vốn đã phải chạy theo nhiều thế kỷ qua.
Các nhãn hàng và công ty quảng cáo đã nhanh chóng nắm bắt xu thế này. Các ngôi sao "mặt hoa da phấn" như Vương Tuấn Khải và Lộc Hàm trở thành gương mặt đại diện trong các chiến dịch trị giá hàng triệu USD cho các nhãn hàng phương Tây như Chanel hoặc L'Occitane.
"Không phải tất cả phụ nữ tại Trung Quốc đều thích kiểu đàn ông trẻ, đẹp và có phần nữ tính - Đó là chính đàn ông bắt đầu nhận ra ngoại hình quan trọng trong con đường sự nghiệp của họ", ông Song nói.
Ở khía cạnh này, xã hội Trung Quốc bắt đầu chuyển dịch theo chiều hướng giống Hàn Quốc, nơi hình thức được đặt nặng ở nơi làm việc.
3. Bên cạnh người nổi tiếng, nhiều đàn ông tại Trung Quốc đã bắt đầu biết đến việc trang điểm và làm đẹp thông qua các blogger làm đẹp hoặc bạn bè, bạn gái.
Zhang Dayu, người sản xuất video 28 tuổi, lần đầu biết đến làm đẹp là 4 năm trước thông qua cô bạn gái Christine, khi họ sống chung với nhau ở Bắc Kinh.
Mẫu hình nam tính theo quan điểm trước đây khác biệt so với hình ảnh một số mẫu nam hiện tại |
"Lúc ấy, anh ấy không để ý gì đến ngoại hình, không bao giờ biết chăm sóc da", Christine nói. "Da anh ấy tồi tệ, lỗ chân lông rõ mồn một trong khi lông mày mọc lung tung".
Cô giới thiệu cho người yêu một bộ dưỡng da, thúc ép anh cắt tóc và chăm sóc lông mày thường xuyên với hy vọng rằng những việc đó sẽ đi vào thói quen của Zhang.
"Suy cho cùng, đây là một xã hội chuộng hình thức", cô nói.
"Trước đó, tôi hầu như không biết mỹ phẩm là gì và cô ấy than rằng da tôi quá dầu", Zhang kể. "Giờ thì tôi làm chủ yếu vì nó khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn".
Giờ thì Zhang dùng toner (nước dùng sau khi rửa mặt), kem dưỡng ẩm, lotion sau khi cạo râu và sữa rửa mặt.
Xiaoyu, chàng trai Bắc Kinh 29 tuổi, nói rằng anh bắt đầu trang điểm 2 năm trước vì bị mụn nghiêm trọng. Nhờ sự "dẫn dắt" của những người bạn nam, Xiaoyu giờ đã tiêu 800 - 1.000 nhân dân tệ (tương đương 117 - 146 USD) mỗi tháng và 1 giờ mỗi ngày cho việc trang điểm và chăm sóc da.
"Rõ ràng đang có một xu hướng chấp nhận việc đàn ông trang điểm", anh nói. "Trang điểm khiến tôi cảm thấy tự tin hơn".
4. Trong những năm gần đây, mỹ phẩm dành cho nam giới đã trở thành một phân khúc nhỏ nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng trong ngành công nghiệp làm đẹp ở Trung Quốc, trị giá 20,12 tỷ nhân dân tệ vào tháng 5/2018, theo một số liệu.
Nghiên cứu từ Euromonitor dự đoán rằng tăng trưởng hàng năm của doanh số bán mỹ phẩm dành cho đàn ông ở Trung Quốc sẽ đạt 13,5% vào năm 2019, trong khi tăng trưởng ngành này nói chung trên thế giới chỉ là 5,8%.
Làm đẹp ở Trung Quốc giờ không còn là chuyện “độc quyền” của phụ nữ |
Một nghiên cứu tương tự của các nhà bán lẻ trực tuyến Vipshop.com và JD.com cho thấy doanh số sản phẩm làm đẹp cho nam của các nền tảng bán hàng này đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2015. Mặt nạ, BB cream, son môi và sản phẩm chăm sóc lông mày đặc biệt được ưa chuộng.
"Với sự gia tăng của các vlogger nam và những người đàn ông trang điểm, các ý niệm văn hóa về việc ai có thể trang điểm và trang điểm như thế nào sẽ thay đổi vĩnh viễn", theo Babette Radclyffe-Thomas, nghiên cứu sinh về xu hướng thời trang châu Á tại Trường Thời trang London.
"Xu hướng chăm sóc da cho thấy sự khác biệt rõ rệt của châu Á so với các khu vực khác. Ý niệm về việc chăm sóc và những chuyện chăm chút ở châu Á có liên quan đến sự sạch sẽ hơn là giới tính hay xu hướng tính dục", bà nói.
Tất nhiên, vẫn còn một thời gian trước khi việc một người đàn ông Trung Quốc trang điểm kỹ càng toàn mặt trở thành chuyện bình thường ở đất nước này, bất chấp độ tuổi, giai cấp xã hội hay vùng miền.
"Dù là người dị tính hay đồng tính, song tính, vẫn còn một quan niệm rằng đàn ông trang điểm là 'chị gái' hoặc sẽ 'làm phụ nữ sợ'", Duan Shuai, giám đốc truyền thông của Trung tâm về Người Đồng tính, Song tính và Chuyển giới (LGBT) Bắc Kinh, nhận định.
Vì vậy, phần lớn đàn ông bình thường ưa chuộng kiểu trang điểm và chăm sóc da trông "tự nhiên", trái ngược với những blogger làm đẹp là nam khác, những người có lượng độc giả phần lớn là phụ nữ và gay.