Nguy cơ lây nhiễm dịch cho cộng đồng
Sinh viên được thuê làm “điều tra viên”
Chị Phương, một phụ huynh, kể: “Tôi ngạc nhiên hỏi bạn “điều tra viên” là tại sao lại có số điện thoại của tôi, còn biết rõ tôi có con học lớp Một nào ở trường nào. Bạn ấy nói được nhà trường cung cấp thông tin và đồng ý để BV thực hiện chương trình này”.
Chị từ chối cho “điều tra viên” đến nhà do đang là cao điểm dịch Covid-19, ngành Y đã khuyến cáo hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. “Điều tra viên” vẫn nói: “Chị không phải lo đâu. Chị cứ cho em địa chỉ, em đưa bản khảo sát đến đặt qua cửa và để lại. Khi nào chị điền xong thì gọi em đến lấy, chị đưa qua cửa. Không cần tiếp xúc trực tiếp”.
Chị Phương tiếp tục từ chối. “Điều tra viên” lại nói: “Nếu chị vẫn ngại dịch thì cho em xin địa chỉ email để gửi bản khảo sát online. Chị điền thông tin rồi gửi lại cho em cũng được”.
“Điều tra viên” này cho biết đang là sinh viên, được Giám đốc BV Mắt Nghệ An thuê đi điều tra số liệu cho nghiên cứu.
Một ngày cuối tháng 3/2020, chị Nguyễn Thị Phương (nhân viên văn phòng ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đang tập trung làm việc thì có cuộc gọi đến, xưng “điều tra viên”. Chị Phương phát hoảng hỏi lại, hóa ra “điều tra viên” của BV Mắt Nghệ An muốn xin địa chỉ nhà chị để điều tra thông tin về bệnh mắt đối với học sinh tiểu học.
“Điều tra viên” giải thích đây là khảo sát phục vụ một nghiên cứu của BV. “Chương trình đã được sự cho phép của Sở Y tế Nghệ An và Phòng GD&ĐT TP Vinh. Toàn bộ thông tin, số điện thoại của các học sinh và phụ huynh do nhà trường cung cấp”, “điều tra viên” nói.
Chị Phương bất bình cho biết, hiện đang cao điểm dịch Covid-19, khắp nơi đang hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm cộng đồng. Trường học của con chị cũng phải nghỉ không thời hạn để phòng dịch. Vậy BV Mắt Nghệ An sao không lên phương án cùng ngành y chiến đấu chống dịch, lại cho người đi khắp nơi thu thập số liệu?
Chưa kể, tìm hiểu thêm mới được biết những “điều tra viên” này chỉ được thuê đi “điều tra”, không rõ đã đi những đâu, tiếp xúc với những ai, có kiến thức y tế không. Dù lo ngại nhưng chị Phương vẫn chấp nhận cho “điều tra viên” đến nhà vì “nể” nhà trường và cô giáo của con.
Chị Phương là một trong nhiều phụ huynh phải miễn cưỡng tham gia cuộc điều tra trên của BV Mắt Nghệ An. Đây là khảo sát phục vụ nghiên cứu “Can thiệp truyền thông nâng cao kiến thức và thực hành của cha mẹ về phòng chống tật khúc xạ cho học sinh tại trường tiểu học TP Vinh”. Chủ nhiệm đề tài là Giám đốc BV Nguyễn Hữu Lê.
Trao đổi qua điện thoại với PLVN về phản ánh của dư luận, ông Lê nói “đã biết”. Trước đó có người đã gọi trực tiếp cho ông, nhưng ông Lê vẫn cho triển khai vì “cấp bách quá”, đến hạn báo cáo số liệu. Ông còn đề nghị PLVN cho số điện thoại phụ huynh đã phản ánh với báo chí để giải thích thêm.
Ông Lê nói đã hướng dẫn nhân viên các biện pháp y tế phòng tránh dịch khi đi thu thập số liệu. Nếu phụ huynh nào sợ dịch có thể điền khảo sát online.
Mặc dù sau đó ông Lê đã gọi điện lại thông báo tạm dừng khảo sát do “phụ huynh lo lắng quá”, nhưng thông tin tiếp tục lan truyền trong cộng đồng, gây bức xúc dư luận.
Một người nói: “BV Mắt Nghệ An cũng là đơn vị y tế nhưng làm như vậy là thờ ơ với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của cả ngành Y và đất nước, thậm chí còn tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Hơn nữa việc làm nguy hiểm này để phục vụ mục đích của riêng một cá nhân, một đơn vị là không thể chấp nhận. Nhà trường cung cấp thông tin riêng của phụ huynh và học sinh cho đơn vị khác cũng không được”.
Thư ngỏ của BV Mắt Nghệ An |
Thẻ “điều tra viên” |
Cuộc điều tra trái phép
Do thư ngỏ của BV Mắt Nghệ An gửi phụ huynh có ghi: “Được sự cho phép của Sở Y tế Nghệ An và đồng ý chủ trương của Phòng GD&ĐT TP Vinh” nên hai đơn vị này cũng bị dư luận phê phán “vạ lây”.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, ông Dương Đình Chỉnh khẳng định: “Tất cả đang tập trung cao nhất phòng chống dịch. Tôi chưa cho phép”.
Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, bà Hoàng Phương Thảo cũng hoàn toàn bất ngờ khi nghe thông tin PLVN phản ánh. Bà nói: “Tôi không biết việc này. Anh Lê (Giám đốc BV Mắt Nghệ An – NV) chưa trao đổi gì với tôi. Tôi không hề biết, chưa nói đến đồng ý. Đang dịch bệnh, các trường đều phải nghỉ. Chúng tôi có báo cáo gấp cần làm cũng phải vận dụng công nghệ, làm sao lại đồng ý cho đơn vị khác đến nhà học sinh?”.
Bà Thảo cho biết, trước đây Phòng đã đồng ý cho Viện Mắt thực hiện cuộc khảo sát tại khối lớp Một của hai trường tiểu học trên địa bàn TP. Nhưng thời điểm đó từ năm ngoái, do Sở Y tế Nghệ An có văn bản đề nghị phối hợp và hình thức khảo sát là phát phiếu cho phụ huynh tự nguyện điền. Đến lần này thì BV Mắt không trao đổi gì đã tự ý triển khai.
“Tôi đã yêu cầu anh Lê có văn bản thông tin chính thức lại với giáo viên và phụ huynh. Phòng không đồng ý việc này”, bà Thảo nói.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Tất cả các đơn vị muốn triển khai chương trình phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn đểu phải thông qua Sở. Trường hợp năm ngoái BV Mắt Nghệ An thông qua Phòng GD&ĐT TP Vinh để triển khai ở các trường tiểu học là “làm tắt”. Sở sẽ chỉ đạo rút kinh nghiệm và có thông báo cho tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc.
Cuộc khảo sát bất thường giữa mùa dịch của BV Mắt Nghệ An đã thực hiện được vài ngày cho đến khi PLVN phản ánh sự việc với cán bộ có thẩm quyền. Chưa rõ các “điều tra viên” của BV này đã đi đến bao nhiêu gia đình, tiếp xúc với bao nhiêu người. Hiện các phụ huynh vẫn chưa biết việc khảo sát đã bị dừng nên vẫn lo ngại, chưa biết từ chối như nào để “không phật lòng nhà trường”.
Đại diện Sở Y tế Nghệ An và Phòng GD&ĐT TP Vinh đều mong báo chí làm rõ thông tin, giúp dư luận hiểu rõ sự việc và giúp “minh oan” cho hai đơn vị.
Vi phạm quyền riêng tư cá nhân
Nhận định về sự việc, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Nghệ An nói: “Việc nhà trường cung cấp thông tin, số điện thoại của phụ huynh và học sinh cho đơn vị khác như vậy là có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Dân sự về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.
Khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
“Một số đơn vị thường lợi dụng tâm lý nể nang của phụ huynh với nhà trường để tổ chức các chương trình phối hợp khảo sát, giới thiệu thông tin, thu thập dữ liệu... Việc làm này cần phải được sự đồng ý của phụ huynh. Các cơ sở giáo dục không được tự ý cung cấp thông tin của học sinh và gia đình”, luật sư nói.