Nhân dịp kỉ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2014), tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội), Cty Thương binh Thành Đô tổ chức gặp mặt thân mật các đại biểu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND), thương, bệnh binh và các cựu chiến binh có nhiều đóng góp trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đồng thời công bố ra mắt Website “Tri ân đồng đội”.
Thương nhớ khôn nguôi
Những người lính, những tướng lĩnh can trường một thuở nay mái tóc đã bạc, bước chân đã mỏi nhưng trong trái tim họ dường như những trận chiến, những đồng đội đã ngã xuống luôn là niềm thương nhớ khôn nguôi. Trong buổi gặp mặt, rất nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh đã xúc động, bồi hồi nhớ lại hình ảnh của các đồng đội đã hy sinh trong những năm tháng chiến đấu ác liệt trên các mặt trận.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1968 cho đến ngày Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Chỉ tính riêng những người hy sinh mà ông chứng kiến, có người được chính ông băng bó rồi đưa đi mai táng, đã lên đến con số vài trăm người, mới hiểu dải đất Quảng Trị khi kết thúc chiến tranh có đến 72 nghĩa trang với 60.000 liệt sỹ.
Trong cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Viện sỹ, Tiến sỹ, Anh hùng LLVTND, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - ngày ấy là cán bộ Trung đoàn 27 Anh hùng - đã kể lại bằng cả tấm lòng đối với đồng đội. Tướng Hiệu không chỉ kể tên từng người hy sinh mà còn biết rõ quê liệt sỹ ấy ở làng, xã nào, hy sinh vào thời khắc nào, chôn ở đâu. Có trận hy sinh vài ba người, có trận hy sinh vài chục người, ông đều dành những dòng mô tả về nhân thân họ, trừ những người vì lý do nào đó tác giả không thể nhớ ra. Thế nên, nhiều thân nhân gia đình liệt sỹ nhờ cuốn hồi ký này đã tìm được thân nhân của mình…
Chị Nguyễn Thị Xuân, con gái duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Văn Chất, nghẹn ngào... |
Đại tá Nguyễn Xuân Quý - Trưởng ban Liên lạc Quân khu Bình Trị Thiên - nghẹn ngào: “Tôi gắn bó máu thịt với mặt trận B5, tôi xin tri ân trọn đời với đồng đội thân thương của mình. Tri ân mãi mãi những người vợ, những người con, những người cha, người mẹ, dòng tộc quê hương… bởi không ở đâu như ở đất nước mình, trong mỗi gia đình, dòng họ đều có những bát hương liệt sỹ, nơi có người vợ, người mẹ chờ chồng, chờ con đằng đẵng. Tôi may mắn trở về và có người vợ luôn sát cánh bên tôi trong những hành trình gian nan đi tìm đồng đội”.
Không phối hợp với nhà ngoại cảm
Việc ra mắt Website “Tri ân đồng đội” là việc làm cần thiết và là chỗ dựa tin cậy cho thân nhân các gia đình liệt sĩ, góp phần giảm bớt nỗi đau sau chiến tranh và sự tri ân, tâm huyết, tình đồng đội sắt son.
Thay mặt Ban quản trị website, Thượng tá Nguyễn Oanh Lan chia sẻ: “Từ đầu năm 2014, được sự giúp đỡ tạo điều kiện của Ban Giám đốc Cty Thương binh Thành Đô đã tra cứu kết nối và tìm kiếm được 15 hài cốt liệt sĩ và giúp các gia đình đến thăm viếng và đón các liệt sĩ về quê hương. Thành quả đó tuy chưa lớn nhưng đã giảm bớt một phần nỗi đau cho gia đình liệt sĩ. Việc tìm danh tính liệt sĩ hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, hồ sơ trích lục của liệt sĩ và phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn và đồng đội của liệt sĩ khi hy sinh để xác minh. Chúng tôi không phối hợp với các nhà ngoại cảm để tìm liệt sĩ. Để website làm việc có hiệu quả, chúng tôi rất mong được sự hợp tác và dựa vào sức mạnh của tình đồng đội là các cựu chiến binh, những nhân chứng, những sự kiện có thật. Website sẽ là trung tâm tiếp nhận, thu thập thông tin, kết nối tri ân với thân nhân gia đình liệt sĩ. Thời gian tới, chúng tôi rất mong nhận được sự chung sức, chung lòng của các cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân để tạo nên sức mạnh cộng đồng, làm chỗ dựa tinh thần cho thân nhân các gia đình liệt sĩ thực hiện tâm nguyện của mình”.
Thượng tá Oanh Lan và bố của liệt sỹ Trần Văn Hảo |
Cũng trong buổi gặp mặt, chị Nguyễn Thị Xuân - con của liệt sỹ Nguyễn Xuân Chất, quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc - lần đầu tiên biết thông tin nơi cha mình đang yên nghỉ. Năm 1966, khi bố lên đường vào Nam, chị còn là thai nhi ba tháng tuổi trong bụng mẹ. Thế rồi, bố hy sinh năm 1968, vài năm sau mẹ đi bước nữa, chị ở với ông nội, rồi ở với chú cho tới khi học hết phổ thông rồi đi lấy chồng. Hình ảnh duy nhất về bố là tấm ảnh còn lại; hiện liệt sỹ an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Nguyệt Đức, Tiên Lũy, Quảng Nam. Dù đã nhận được đích xác thông tin về cha nhưng chị Xuân chỉ biết nghẹn ngào vì cuộc sống quá đỗi khó khăn với 4 người con, vẻn vẹn trông chờ vào 4 sào ruộng nên không biết ngày nào chị mới thu xếp vào thăm cha được...
Bao nước mắt, bao nỗi niềm, dù chiến tranh đã đi qua mấy thập kỷ nhưng trên khắp dải đất hình chữ S này, vẫn còn bao gia đình chưa thể đoàn tụ, bao người mẹ già chưa tìm thấy con, bao người con chưa biết chỗ nằm của cha, bao liệt sỹ vẫn còn nằm lại đâu đó nơi núi rừng heo hút...
Với 700.000 liệt sỹ đã có thông tin, tên tuổi, đang an nghỉ ở khắp các nghĩa trang, vẫn còn rất nhiều gia đình chưa biết các anh đang nằm đó. Những công việc để các anh có danh tính, sau đó là được đoàn tụ với gia đình, vì thế, vẫn còn rất bộn bề phía trước với những người đau đáu nỗi niềm...