Cuộc đời trắc trở “cha đẻ mỹ thuật hiện đại”

Chân dung tự họa Paul Cézanne
Chân dung tự họa Paul Cézanne
(PLVN) - Giống như Van Gogh (1853-1890), danh họa người Pháp Paul Cézanne (1839-1906) không sống được nhờ nghề vẽ tranh. Nếu như Van Gogh được em trai Théodore thường xuyên gửi tiền, Paul Cézanne được người cha giầu có, chủ xưởng sản xuất mũ, sau làm chủ ngân hàng, chu cấp cho đến cuối đời. 

Người cô đơn tìm chỗ đứng trong hội họa 

Được mệnh danh sau này là “cha đẻ của mỹ thuật hiện đại”, nhưng con đường sự nghiệp của Paul Cézanne gặp đầy trắc trở. Không được chính thức học vẽ do bị cha cấm, Cézanne theo học các lớp buổi tối miễn phí. Năm 1861, khi tròn 22 tuổi, lần đầu tiên ông được cha cho phép lên Paris. Cézanne đã lui tới xưởng vẽ mang tên Académie Suisse, trên đảo Cité, để quan sát, học hỏi kinh nghiệm với hy vọng thi đỗ trường Mỹ thuật danh tiếng. 

Thất bại. Ông trở về làm việc trong ngân hàng của cha được một năm, nhưng cuối cùng quyết định trở lại Paris theo đuổi hội họa. Cézanne vẽ phong cảnh những vùng nông thôn nổi tiếng nằm quanh Paris, từ Pontoise đến Auvers-sur-Oise hay La Roche-Guyon. Ở vùng Provence miền nam, Cézanne lấy cảm hứng từ khu mỏ Bibémus, đồi Lauves, khu Jas de Bouffan nơi cha mẹ ông có một cơ ngơi lớn, ngọn núi Sainte-Victoire hay vùng Estaque nhìn ra vịnh Marseille. 

Bà Fabienne Morucci, phụ trách khai thác các khu di tích liên quan đến Cézanne, kể lại rằng Cézanne vẽ người dân Aix mà ông gặp hàng ngày và Hortense, người mẫu mà họa sĩ gặp ở Paris và chính thức trở thành vợ ông sau gần 16 năm sống chung:

“Dù ông vẽ một vài bức chân dung vợ, nhưng người ta có cảm giác người phụ nữ trong tranh cứng nhắc, khuôn mặt rất ít cảm xúc. Cézanne cũng có một vài bức tự họa nhưng cũng không có nhiều biểu cảm trên khuôn mặt. Tác phẩm của ông thiên về màu sắc, thiên nhiên, hình dạng hơn là những khuôn mặt. 

Về mối quan hệ với vợ ông, thật sự là rất phức tạp. Cézanne giấu kín cha về mối quan hệ với Hortense. Mãi sau này, vài năm trước khi cha qua đời, ông nói rằng ông có vợ và một cậu con trai. Nhưng thực ra, Cézanne sống rất ít với vợ con vì ông luôn đi đi về về giữa Paris và Aix”.  

Tác phẩm của “cha đẻ mỹ thuật hiện đại”
Tác phẩm của “cha đẻ mỹ thuật hiện đại”

Khi Cézanne quyết định về sống hẳn ở Aix-en-Provence, hai mẹ con ở lại Paris vì Hortense không hợp với gia đình nhà chồng. Ngay cả khi ở Aix, Cézanne để vợ và con trai sống trong căn hộ ở trung tâm, còn ông vẫn sống với gia đình ở Jas de Bouffan. Vì vậy, khi Cézanne qua đời, vợ con ông không có ở bên. Họ chỉ xuống Aix-en-Provence lo hậu sự, rồi trở về Paris, không màng đến xưởng vẽ.

Lý do chính khiến Cézanne quyết định về Aix ở ẩn, vui với thiên nhiên là vì tranh của ông liên tục bị từ chối ở các Phòng trưng bày hội họa và điêu khắc ở Paris. Và nếu được nhận, tranh của ông chưa đủ sức hút công chúng và giới phê bình.

Cũng vì quá thất vọng sau mỗi lần tham gia triển lãm ở Paris mà không được biết đến, nên năm năm cuối đời, Cézanne quyết định ở lại hẳn Aix-en-Provence, nơi mà ông yêu thích, nơi ông có thể tự do làm việc với thiên nhiên. Cézanne chỉ di chuyển giữa ngôi nhà mà ông cho xây vào năm 1898 đến ngọn núi Saint-Victoire, cách Aix-en-Provence chừng 5 km. Với ông, đây thực sự là một chốn yên bình.

Thất bại ở Paris, nhưng nhờ Ambroise Vollard, cuối cùng một số tác phẩm của Cézanne đã được giới thiệu rộng rãi với công chúng. Năm 1895, nhà buôn tranh trẻ tổ chức triển lãm riêng đầu tiên cho họa sĩ vùng Provence gồm khoảng 150 tác phẩm. 

Bạn cũ của Cézanne ngạc nhiên khám phá những tiến bộ trong nét vẽ của ông. Một số họa sĩ trẻ tìm thấy một điểm tựa, một hướng tham khảo trong phong cách của Cézanne. Danh tiếng của ông dần bay xa nhờ các triển lãm trong những năm 1898, 1899, 1904, 1905, 1906. 

Về vai trò của Cézanne trong trường phái Ấn tượng, ông đóng vai trò quan trọng như Manet và Monet, là một trong những nhà sáng lập ra trường phái Ấn tượng. Nhưng ông cũng là một họa sĩ của trào lưu hiện đại, có nghĩa đồng thời chuyển từ Ấn tượng sang trường phái Lập thể và tiếp nhận mọi yếu tố hiện đại trong hội họa. Đó chính là điểm đặc biệt lớn của Cézanne.

Xưởng vẽ trên đồi Lauves 

Ngôi nhà kiêm xưởng vẽ của Cézanne (Atelier de Cézanne) nằm trên sườn ngọn đồi Lauves, sát trung tâm thành phố Aix-en-Provence, được danh họa Pháp coi là món quà đẹp nhất trong đời. Xây được ngôi nhà, ông phải nhờ vào tài sản thừa kế từ người cha. 

Điền trang này là nơi làm việc cuối cùng của Paul Cézanne, còn nơi sống của ông ở trung tâm thành phố Aix-en-Provence, trong một căn hộ, gần nhà thờ lớn. Tòa nhà đó vẫn tồn tại, nằm ở phố Boulegon, gần tòa thị chính. 

Xưởng vẽ Paul Cézanne hàng trăm năm qua vẫn được giữ nguyên trạng
Xưởng vẽ Paul Cézanne hàng trăm năm qua vẫn được giữ nguyên trạng

Trong khu vườn rộng 5.000 m2, đặc trưng của vùng Provence, đầy những cây thông, bụi nguyệt quế, một cây đoạn cổ thụ (tilleul). Khu vườn được để mọc tự nhiên, không tỉa tót theo nguyện vọng của Cézanne. Ông muốn có một khu vườn đơn giản, đúng chất vùng Provence, xanh mướt lá cây. 

Ngôi nhà hai tầng, không lớn lắm, được xây khá đơn giản. Tầng trệt có một phòng ngủ và kho lưu tranh. Toàn bộ tầng 2 được dành làm xưởng vẽ với những khung cửa sổ lớn, lấy ánh sáng từ hướng nam, và được thiết kế thông minh nhờ hệ thống cửa gấp để tránh ánh nắng gay gắt trực tiếp. 

Cứ 30 phút, một nhóm khoảng 25 khách được hướng dẫn viên đưa lên tham quan xưởng vẽ thứ 26 và cũng là cuối cùng của Paul Cézanne. Cézanne sử dụng xưởng vẽ gần như cho đến hơi thở cuối cùng vì ông từng nói muốn được chết với cây cọ trong tay. Vì thế, với Cézanne, không có chuyện gác bút nghỉ hưu. Tám ngày trước khi qua đời vì viêm phổi, ông vẫn miệt mài làm việc ở xưởng vẽ. 

Vào khoảng giữa tháng 11/1906, khi đang vẽ dở bức “Căn nhà nhỏ của gia đình Jourdan” (Le Cabanon de Jourdan), hiện được trưng bày ở bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Roma, thì trời chợt đổ mưa. Ông phải thu dọn hết đồ nghề, khoác lên vai chiếc ba lô chứa đầy những tuýp màu, bảng màu và cọ vẽ, thêm bộ giá vẽ, rồi chống gậy về nhà.

Nhưng trên đường về, do sức khỏe yếu đi từ năm 1890 vì mắc bệnh tiểu đường, ông bị ngã xuống hố. Ông nằm bất động suốt vài tiếng đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã, sau đó mới được những người thợ tẩy đẩy xe vải đi qua phát hiện nhờ ánh chớp. 

Bức họa cuối cùng trong đời Paul Cézanne

Bức họa cuối cùng trong đời Paul Cézanne

Người ông ướt đẫm, lạnh buốt tới xương. Ông được đưa về căn hộ ở số 23 phố Boulegon, giao cho người quản gia vì Aix lúc đó không phải là thành phố lớn và hầu hết mọi người đều biết đến Cézanne. Sáng hôm sau, nghĩ rằng đã khỏe hơn, ông đi bộ từ căn hộ lên xưởng vẽ làm việc, nhưng rồi cảm thấy trong người không ổn, ông quay về nhà nghỉ ngơi. Đáng tiếc là tám ngày sau, Cézanne qua đời vì viêm phổi ở tuổi 67. 

Trên chiếc tủ thấp dựng sát tường, đối diện cửa vào xưởng vẽ, vẫn còn ba đồ vật được Cézanne sử dụng thường xuyên trong nhiều tác phẩm tĩnh vật: Một hũ đựng quả ô liu, một hũ ngâm gừng và một chai rượu rhum Zamaica. Trong góc là những bộ áo vẽ, những chiếc mũ bê rê được treo trên móc, chiếc rương đựng dụng cụ vẽ vẫn nằm trên sàn nhà, góc bên kia là chiếc giá vẽ và chiếc thang cao tới trần mà chủ trang trại trước để lại… nhiều đồ đạc, dụng cụ của Cézanne vẫn còn nguyên.

Bị bỏ hoang, rồi trải qua nhiều đời chủ, Xưởng vẽ Cézanne hiện do Phòng Du lịch Aix-en-Provence sở hữu và quản lý. Từ tháng 01/2019, Xưởng vẽ của Cézanne liên tục được trùng tu để có thể tiếp đón lượng khách tham quan hàng năm lên đến 80.000 người.

Đọc thêm

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.