Kỳ vọng mang sức cạnh tranh mới cho hàng hóa Việt Nam
Đa số hàng hóa về Việt Nam bằng đường hàng không chủ yếu là hàng chuyển phát nhanh (hàng đặt online trên các trang thương mại điện tử quốc tế Amazon, Alibaba, hàng gửi từ kiều bào nước ngoài...), hàng nhập khẩu tổng hợp như hàng hóa tiêu dùng, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Các hãng bay cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo… rất mạnh nên các doanh nghiệp (DN) Việt không đủ sức cạnh tranh.
Hiện Việt Nam chỉ có hai cảng hàng không quốc tế có trung tâm kho hàng hóa quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Vì thế, để vận tải hàng hóa hàng không phát triển, phải hội đủ hai yếu tố là các hãng có đội bay cargo chuyên dụng và xây dựng được mạng lưới logistics hàng không đủ lớn. Các hãng cargo nước ngoài đang bị giới hạn chỉ được phép vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Ngày 15/9/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 7709/VPCP-CN gửi Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nội dung: Bài viết “Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistic” trên báo ngày 10/9/2020 phản ánh ý kiến của DN “phải có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp các bộ, cơ quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất.
Đề án IPP Air Cargo độc đáo ở chỗ hãng hợp tác với các hãng bay ngoại, nối tiếp vận chuyển hàng hóa tới 16 sân bay tại 16 địa phương khác ở Việt Nam để mở rộng mạng lưới logistics. Sau 2022, IPP Air Cargo dự định sẽ đầu tư hệ thống máy bay sức chứa lớn hơn, cùng các hãng air cargo quốc tế bay vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài và hợp tác chở hàng từ nước ngoài về Việt Nam.
Khi đó, xuất khẩu hàng hóa từ rau quả, thực phẩm tươi sống và những mặt hàng xuất khẩu có giá trị khác sẽ được vận chuyển đường hàng không, không chuyển lòng vòng qua nhiều cảng với chi phí cao như hiện nay. Điều này tạo ra sức cạnh tranh mới cho hàng hóa Việt Nam.
Dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng lớn và khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra ngày càng rõ nét. Vì vậy, IPP Air Cargo tham vọng đạt mục tiêu lớn nhất là góp phần làm ngành logistics Việt Nam lớn mạnh, mang đến lợi ích chung cho tất cả các bên. IPP Air Cargo không cạnh tranh với các DN logistics Việt, không lấn sân cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không Việt.
Kiến nghị bất ngờ của Bộ Giao thông Vận tải
Theo Luật Đầu tư 2020, dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền. Trước đề xuất của IPPG, có lẽ để “chắc ăn”, Cục Hàng không Việt Nam ra Công văn 4620 ngày 14/5/2021 xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc hướng dẫn xây dựng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.
Theo Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không, thì IPP Air Cargo phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Điều 13 Nghị định 30/2013/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 30 ngày làm việc (gồm cả thời gian lấy ý kiến cơ quan, đơn vị liên quan) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, giấy chứng nhận (…), Cục Hàng không báo cáo kết quả thẩm định lên Bộ GTVT”. Điều 14 Nghị định này quy định: “Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ GTVT, Thủ tướng quyết định việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại; trường hợp không chấp thuận, Thủ tướng thông báo tới Bộ GTVT và nêu rõ lý do”.
Tuy nhiên, với lý do nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không phát triển bền vững trong tình hình mới, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022). Có nghĩa IPP Air Cargo phải chờ.
Cần một cái nhìn đúng đắn hơn
Vẫn biết đại dịch COVID-19 đã và đang “tấn công” kinh tế toàn cầu, không riêng Việt Nam, không riêng lĩnh vực kinh tế nào. Riêng ngành hàng không dân dụng được dự báo, nếu dịch Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 mới có thể phục hồi như trước dịch.
Thế nhưng, có nên vì điều này mà “lùi” thời gian xem xét đề xuất của IPP Air Cargo.
Thứ nhất, cần nhắc lại hãng này đề xuất kinh doanh Air Cargo chứ không vận tải hành khách dân dụng hoặc hàng không chung (hiện Việt Nam có 5 DN đang có cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung còn hiệu lực).
Thứ hai, IPPG sẽ lập trung tâm kho hàng hóa quốc tế tại Đà Nẵng, nơi giao thông thuận lợi, chưa hề quá tải như Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Thứ ba, việc Bộ GTVT căn cứ vào ý kiến “đồng ý về nguyên tắc” của Thủ tướng để lùi xem xét đề xuất của IPPG, nhiều ý kiến cho rằng thực chất là động tác “chuyền banh”. Hơn nữa, có còn gì đó băn khoăn khi so sánh tính pháp lý giữa ý kiến hành chính của Bộ GTVTvới quy định pháp luật trong Luật Hàng không dân dụng, Luật Đầu tư... và các văn bản hướng dẫn thi hành lĩnh vực kinh doanh hàng không.
Điều cuối cùng cần nói, chờ dịch COVID-19 qua mới xem xét, có thể sẽ vuột cơ hội bởi phải chung sống với đại dịch này đến khi nào là một biến số và thực tế Chính phủ đã xác định rất đúng đắn “vừa phải chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế”.
Từ những vấn đề vĩ mô của đất nước đến những quy hoạch, dự án đầu tư... luôn đòi hỏi tầm nhìn. IPP Air Cargo phải chờ, có nghĩa ngành logistics Việt Nam phải chờ. Điều này có phù hợp với các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế; phù hợp với chủ trương hỗ trợ DN; phù hợp với quy định pháp luật và lợi ích kinh tế của đất nước, xã hội?