Phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ bác bỏ bản quyền của hãng Novartis (Thụy Sỹ) về thuốc đặc trị ung thư Glivec đã tạo tiền lệ pháp lý cho tranh chấp bản quyền sáng chế trên lĩnh vực thuốc chữa bệnh.
Sau gần 8 năm đeo đẳng qua các cấp xét xử ở Ấn Độ, hãng dược phẩm lớn này giờ phải chấp nhận một thất bại nặng nề về pháp lý và thua thiệt không hề nhỏ về kinh tế trên thị trường Ấn Độ.
Hình minh họa |
Glivec được phép lưu hành ở Ấn Độ từ năm 2001 và được bảo hộ bản quyền ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Từ năm 2006, Novartis xin đăng ký bảo hộ bản quyền cho Glivec ở Ấn Độ nhưng không được chấp nhận vì ở Ấn Độ đã có loại thuốc tương tự với giá rẻ hơn rất nhiều.
Lập luận của Tòa án tối cao Ấn Độ là Glivec không phải là một sản phẩm mới hoàn toàn, mà chỉ là chế phẩm mới của một loại biệt dược và vì thế theo luật pháp Ấn Độ không thể được công nhận bảo hộ bản quyền. Novartis không phủ nhận điều đó, nhưng viện dẫn là Glivec xứng đáng được coi là phát minh mới ở chỗ biệt dược kia được tinh thể hoá và do vậy sử dụng dễ dàng hơn.
Thực chất cuộc kiện tụng là lợi ích. Novartis muốn được bảo hộ bản quyền để bán sản phẩm với giá cao và độc quyền trên thị trường. Mà thị trường Ấn Độ lại đầy tiềm năng. Cho tới năm 2015, tất cả những thuốc được bảo hộ bản quyền trên thế giới đưa lại cho các hãng sản xuất lợi nhuận hàng năm tới 150 tỷ USD.
Tòa án tối cao Ấn Độ dựa vào luật để phán xử, nhưng chắc chắn bị chi phối bởi thực tế là nếu không xử vậy thì người dân mắc bệnh không thể có được thuốc chữa bệnh với giá thấp.
Ở đâu mà chả thế, vì lợi ích nào thì sẽ có lập luận nấy. Vụ việc cụ thể có khác nhau nhưng Novartis chỉ là hãng thuốc mới nhất bị cự tuyệt bảo hộ bản quyền ở Ấn Độ: Trước Novartis đã có Roche, Pfizer và Bayer phải chấp nhận phán xử tương tự. Không chỉ người dân ở Ấn Độ mà bệnh nhân nghèo trên khắp thế giới chắc chắn đều đồng tình với những phán quyết như thế.
Thiên Lang