Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, dự kiến hôm nay (19/7), việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy (luồng xanh đường thủy) từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây và ngược lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức triển khai.
Các mặt hàng được vận chuyển gồm hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả; thủy hải sản ... ); trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng chống dịch.
Tàu cao tốc vận chuyển thực phẩm từ miền Tây về TP.HCM chính thức khai thác từ ngày 19/7. |
Theo đó, 5 tàu cao tốc có sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/mỗi chuyến tàu. Thời gian tàu lưu thông trên tuyến từ 6h đến 19h hàng ngày. Sau thời gian hoạt động ổn định sẽ xem xét điều chỉnh thời gian hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế, đảm bảo an toàn giao thông và hiệu quả khai thác.
Về lộ trình di chuyển, theo kế hoạch các tàu cao tốc xuất phát từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền - kênh Chợ Gạo – sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn 4 sông Cần Giuộc) – sông Soài Rạp – sông Nhà Bè – Sông Sài Gòn - Bến Bạch Đằng và ngược lại. Về chi phí vận chuyển, Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP sẽ thỏa thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hóa, với chi phí phù hợp (đảm bảo bình ổn giá).
Thuyền trưởng, thuyền viên và người bốc xếp hàng hóa phải đảm bảo công dụng chở hàng hóa và không chở quá khả năng khai thác. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, thuyền trưởng, thuyền viên phải được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (ít nhất 01 mũi) và có xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế.
Các phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa chỉ cử 1 thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ (thuyền viên này phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế), các thuyền viên khác không được lên bờ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo và thực hiện các thủ tục cảng vụ online tại các cảng, bến thủy nội địa, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Trong suốt quá trình di chuyển, phương tiện sẽ từ các cảng, bến thủy nội địa của các tỉnh miền Tây đi thẳng về bến Bạch Đằng - TP. Hồ Chí Minh, không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa, phương tiện sẽ được phun khử khuẩn toàn bộ trước khi khởi hành chuyến mới.
Các tàu cao tốc đã được tháo ghế để sẵn sàng chở hàng hóa |
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát trên tuyến tạo điều kiện thuận lợi, hạn chế dừng, đỗ phương tiện, để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo ông Trần Văn Bon, trưa ngày 18/7, các sở, ngành của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đã có cuộc họp trực tuyến về phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây và ngược lại. Theo đó, điểm tập kết hàng hóa, nông sản… tại Tiền Giang sẽ đặt ở bến phà Rạch Miễu tạm (xã Song Thuận, huyện Châu Thành). Hiện công tác chuẩn bị đã hoàn tất và sẵn sàng đi vào hoạt động. Tùy theo nhu cầu thực tế, Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP sẽ điều các tàu cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây để vận chuyển hàng hóa.
Dự kiến, trong hôm nay (19/7) sẽ vận chuyển chuyến hàng đầu tiên từ bến phà Rạch Miễu tạm thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang lên TP. Hồ Chí Minh.